Nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Libya

Khoảng 340.000 người chạy khỏi Libya
Nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Libya
  • Tướng Mỹ: Không đảm bảo không có dân thường thiệt mạng

Trong khi liên quân tiếp tục tăng cường lực lượng đến Libya, dư luận quốc tế lại một lần nữa kêu gọi các bên tham chiến bảo vệ tính mạng dân thường, thực hiện đúng Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ.

“Phản đối Mỹ, bảo vệ người dân, dừng ném bom tại Libya” - người dân Philippines biểu tình phản đối Mỹ.

“Phản đối Mỹ, bảo vệ người dân, dừng ném bom tại Libya” - người dân Philippines biểu tình phản đối Mỹ.

Khoảng 340.000 người chạy khỏi Libya

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25-3 đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ, ông Barack Obama, thảo luận về chiến sự tại Libya. Ông D.Medvedev đã bày tỏ sự lo lắng về chiến dịch không kích của liên quân sẽ sớm trở thành cuộc chiến toàn diện với lực lượng bộ binh có thể tham gia trong thời gian tới. Ông D.Medvedev kêu gọi ông Obama thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” tránh gây thương vong dân thường và hạn chế quy mô chiến dịch để đảm bảo mục tiêu LHQ đã đề ra.

Theo AFP, ông Obama đã cảm ơn những “ý kiến tích cực” của ông D.Medvedev về tình hình tại Libya nhưng không hề đả động đến vấn đề thương vong của dân thường. Trước đó, Đại sứ thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng ưu tiên số 1 hiện nay tại Libya là tránh thiệt hại về tính mạng cho dân thường và thúc giục các bên tham chiến “đạt một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức” tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong khi đó, tướng Carter Ham, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ tuyên bố: Liên quân không thể đảm bảo không có dân thường thiệt mạng trong các đợt ném bom tại Libya, nhưng đang cố gắng thực hiện một cách “hết sức chính xác”.

Theo người phát ngôn Chính phủ Libya, Mussa Ibrahim, gần 100 dân thường đã thiệt mạng bởi các vụ không kích và tấn công bằng tên lửa của quân đội phương Tây. Ông M.Ibrahim cho rằng những mục tiêu dân sự như các trung tâm truyền thông, đài phát thanh, sẽ sớm trở thành những mục tiêu bị tấn công trong vài ngày tới.

Người phát ngôn Chính phủ Libya đã yêu cầu LHQ ngăn chặn ngay các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự của Libya, đảm bảo tuân thủ về quyền toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và không cho phép bất kỳ sự chiếm đóng nào trên lãnh thổ Libya theo tinh thần của Nghị quyết 1973.

Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết khoảng 340.000 người đã chạy khỏi Libya để lánh nạn và hàng ngàn người khác vẫn đang bị mắc kẹt. Nguy cơ một thảm họa nhân đạo lớn đang cận kề với người dân Libya khi chiến sự ngày càng khốc liệt và giá cả đang tăng mạnh. Theo số liệu của Chương trình Lương thực thế giới, giá lương thực tại đất nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tuần qua.

Trong khi đó, công tố viên Louis Moreno-Ocampo thuộc Tòa án tội phạm quốc tế (ICC) thông báo ông có thể sẽ yêu cầu bắt khẩn cấp trong một vài tuần tới đối với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và 3 người con trai của ông này. Nhà lãnh đạo Libya bị buộc tội “tội ác chống nhân loại”.

Theo ông Ocampo, các nhân viên của ICC đã điều tra 7 trường hợp lực lượng an ninh Libya bắn vào người biểu tình ở thời điểm 12 ngày đầu tiên nổ ra làn sóng biểu tình chống lại ông M.Gaddafi.

Khó kết thúc sớm cuộc chiến

Tham mưu trưởng quân đội Pháp, ông Edouard Guillaud, cho biết chiến dịch quân sự ở Libya có thể kéo dài trong nhiều tuần nữa và hy vọng sẽ không diễn ra trong nhiều tháng. Còn theo NATO, vùng cấm bay có thể được duy trì trong 3 tháng.

Ông Edouard Guillaud cho rằng vấn đề hiện nay không phải khó khăn về quân sự mà là tìm một giải pháp chính trị. Đến nay, chưa thành viên liên minh nào trả lời câu hỏi sau không kích là gì. Các nước này đã nói xa gần đến việc đưa bộ binh vào như để dọn đường dư luận cho một hành động vi phạm Nghị quyết HĐBA LHQ tiếp theo vì nghị quyết không cho phép triển khai quân đội nước ngoài ở Libya đến bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này.

Tin cho biết Mỹ đã đưa 4.000 lính thủy đánh bộ đến Địa Trung Hải để hỗ trợ chiến dịch không kích.

Trong khi đó, mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ không nắm vai trò dẫn dắt cuộc chiến (hiện NATO giữ vai trò chỉ huy trong việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya), nhưng giới phân tích cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cuộc chiến.

Ngày 25-3, Mỹ tiếp tục bắn thêm 16 tên lửa Tomahawk vào các vị trí đặt pháo phòng không của Libya. Hiện nay hơn 1/2 trong tổng số 350 máy bay chiến đấu của liên quân là của Mỹ. Trong khi đó, một số tàu ngầm, tàu khu trục, tàu vận tải đổ bộ USS Mount Whitney… của Mỹ vẫn là trung tâm sức mạnh của chiến dịch.

Tướng về hưu Wesley Clark, người từng tham gia hành động quân sự can thiệp vào Liên bang Nam Tư năm 1999, cho rằng một khi bắt đầu việc gì, cần phải tính đến biện pháp để kết thúc nó, hành động quân sự của liên quân Anh và Pháp đối với Libya hiện nay có thể nói đang bị tuột dốc.

Làn sóng phản chiến lan rộng tại Mỹ

Dự kiến, hôm nay (ngày 26-3), các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tại Libya sẽ diễn ra tại nhiều TP lớn của Mỹ. Trước đó, ngày 19-3, đánh dấu 8 năm cuộc chiến tranh tại Iraq nổ ra, hàng ngàn người tại các TP lớn như Washington, D.C., San Francisco, Los Angeles, Chicago… đã xuống đường biểu tình kêu gọi chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh Mỹ đang can dự.

Tại Los Angeles, hơn 4.000 người đã xuống đường kêu gọi Chính phủ Mỹ dừng cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq với các khẩu hiệu: “Tiền phục vụ cho việc làm và giáo dục, không phải cho chiến tranh”.

Tại Washington, D.C., trước Nhà Trắng, hơn 1.500 người do các cựu chiến binh Mỹ dẫn đầu đã biểu tình phản đối cuộc chiến tại Libya. Trong khi đó, tại San Francisco, bất chấp trời mưa, giá rét, 1.800 người đã xuống đường tuần hành và kêu gọi chính phủ hãy tập trung vào “cuộc chiến việc làm” ở Mỹ…

Ngày 25-3, người dân tại thủ đô Colombo, Sri Lanka đã xuống đường phản đối cuộc chiến của liên quân và bày tỏ sự ủng hộ với Chính phủ Libya. Trong khi đó, những người dân tại thủ đô Manila, Philippines cũng bày tỏ thái độ phản chiến bằng cách giơ cao các khẩu hiệu phản đối như “Mỹ hãy dừng giết chóc, chúng tôi muốn được sống” hay “Dầu là mục tiêu để liên quân chiếm đóng Libya”…

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục