EU bất an vì khuẩn E.coli

Chưa rõ nguyên nhân bùng phát
EU bất an vì khuẩn E.coli

Ngày 7-6, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU đã mở cuộc họp khẩn thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng vi khuẩn E.coli đang làm nhiều nước châu Âu điêu đứng. Dịch đã lan tới 12 nước thành viên EU với 24 người chết, 2.300 người nhiễm khuẩn phải nhập viện.

Các chuyên gia y tế Đức kiểm tra một nông trại tại Bienenbuettel, vùng hạ Saxony.

Các chuyên gia y tế Đức kiểm tra một nông trại tại Bienenbuettel, vùng hạ Saxony.

Chưa rõ nguyên nhân bùng phát

Trong cuộc họp, các quan chức châu Âu bàn đến biện pháp cảnh báo về an toàn thực phẩm trong khối. Đây là đề xuất của Tây Ban Nha, quốc gia chịu thiệt hại nặng khi thông tin ban đầu do nước Đức công bố cho biết dưa chuột của Tây Ban Nha là nguồn phát tán khuẩn E.coli. Chính phủ Tây Ban Nha rất tức giận trước các cáo buộc của Đức khi kết quả xét nghiệm không phát hiện khuẩn E.coli trong các sản phẩm dưa chuột. Đồng thời, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ xem xét khởi kiện nhà chức trách tại TP Hamburg vì đã nghi oan cho dưa chuột của Tây Ban Nha, gây ra tổn thất lớn cho nông dân nước này. Ngành nông nghiệp Tây Ban Nha phải cắt giảm khoảng 550 việc làm kể từ khi dịch khuẩn E.coli bùng phát tại Đức. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu rau quả Tây Ban Nha ước tính họ đã thiệt hại hơn 225 triệu EUR (328 triệu USD)/tuần do cảnh báo về sức khỏe của EU đối với dưa chuột của nước này.

Các bộ trưởng Nông nghiệp EU sẽ phải nỗ lực đạt được thỏa thuận tạm thời về gói tài chính trợ giúp các nông trại chuyên sản xuất rau quả có sản phẩm bị thu hồi trên thị trường. Ủy viên Nông nghiệp EC Dacian Ciolos cho biết sẽ đề nghị gói bồi thường 220 triệu USD.

Reuters cho biết, từ nay tới cuối tháng, các nhà sản xuất EU sẽ nhận được khoản cứu trợ cho khoảng 30% tổng trị giá hàng hóa không tiêu thụ được. Số tiền này sẽ được trích từ ngân sách của EU. Hãng AFP nhận định, nếu EU không thể đưa ra những biện pháp giải quyết triệt để, không những ngành nông nghiệp Tây Ban Nha mà nhiều khả năng ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia khác cũng sẽ bị thiệt hại nặng. Hiện nay, mọi nghi ngờ đang hướng về giá đỗ ở Đức. Tuy nhiên, theo BBC, trong số 40 mẫu giá đỗ được kiểm tra ở trang trại tại Uelzen, phía Nam Hamburg (Đức), 23 mẫu đầu tiên đã cho kết quả âm tính.

Chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh

Siêu khuẩn E.coli không chỉ khu trú ở miền Bắc nước Đức. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nó đã lan ra các nước châu Âu  như Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Tây  Ban  Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và sang cả Mỹ. Hầu hết các bệnh nhân đã từng ở trong vùng có dịch của Đức.

Theo WHO, vi khuẩn E.coli đang gây ổ dịch tiêu chảy nghiêm trọng ở nhiều nước châu Âu là một chủng hoàn toàn mới, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ. Tiến sĩ Paul Wigley, giảng viên về nhiễm trùng sinh học tại Đại học Liverpool (Anh), cho rằng, phần lớn các chủng vi khuẩn E.coli không gây bệnh nặng như chủng mới này. Nó tạo ra các độc tố làm hỏng đường ruột, gây tiêu chảy có máu. Khuẩn này gây suy thận biến chứng xấu hơn là phải chạy thận nhân tạo hoặc trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay, chưa có vaccine, thuốc có thể bảo vệ khỏi bệnh do khuẩn E.coli. Các nhà khoa học khuyến cáo nhiều biện pháp phòng tránh: nấu chín thịt heo, gà, bò… với nhiệt độ tối thiểu là 71oC. Rửa kỹ những dụng cụ nhà bếp như dao, thớt sau khi sử dụng cắt rau hay thịt. Để thực phẩm sống riêng biệt, không bao giờ đặt đồ đã được nấu chín trên những dụng cụ đã được dùng cho nguyên liệu sống. Rửa tay sau khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn. Rửa dao, bàn, thớt bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với sản phẩm tươi sống hoặc thịt sống.

Phương Nam

Tin cùng chuyên mục