NATO mất phương hướng trong cuộc chiến Libya?

Suy yếu
NATO mất phương hướng trong cuộc chiến Libya?

Ngày 26-6, tròn 100 ngày kể từ khi NATO bắt đầu mở đợt tấn công gây nhiều tranh cãi tại Libya. 100 ngày đã trôi qua nhưng mục đích chính là lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn chưa thực hiện được. NATO đang bộc lộ việc mất phương hướng khi vừa phải xử lý cuộc chiến Libya, vừa đối mặt với sức ép cũng như những công kích của dư luận trong và ngoài nước.

Cuộc chiến kéo dài đã tàn phá thủ đô Tripoli.

Cuộc chiến kéo dài đã tàn phá thủ đô Tripoli.

Suy yếu

Theo nhận xét của nhiều nhà phân tích quân sự thế giới và giới chức tình báo Mỹ, NATO đang gặp nhiều khó khăn trong chiến dịch không kích Libya. Một số quan chức của các quốc gia thành viên NATO cũng phải thừa nhận điều này. Tuy đã phá hủy nhiều cơ sở chỉ huy quân sự cùng các trung tâm thông tin tình báo của Chính phủ Libya nhưng thiệt hại đối với NATO cũng không phải nhỏ.

Trước nhiều sức ép, NATO tuyên bố sẽ đẩy mạnh chiến dịch tại Libya để “đánh nhanh, rút gọn” từ tháng 6. Theo báo Người quan sát của Anh, cuộc chiến càng kéo dài thì phí tổn quân sự càng tăng khiến NATO buộc phải cân nhắc kế hoạch dùng bộ binh để tấn công trực tiếp vào các căn cứ của Chính phủ Libya. Nhưng kế hoạch này vấp phải nhiều phản đối do vi phạm Nghị quyết 1973 của LHQ. Bên cạnh đó việc Chính phủ Mỹ quyết định không đưa bộ binh tham chiến cũng ảnh hưởng đến kế hoạch này.

Trong khi đó, phe đối lập tại Libya liên tục yêu cầu NATO và Mỹ viện trợ tài chính để đánh chiếm nhiều căn cứ thuộc chính quyền ông Gaddafi. Lực lượng này cho rằng, nếu NATO và Mỹ không rót tiền, cuộc chiến đẩy lùi quân đội của ông Gaddafi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đây là điều mà NATO không ngờ tới vì NATO từng cho rằng có thể dựa vào lực lượng này để thúc đẩy các mục đích quân sự trên bộ nhưng càng về sau phe đối lập càng cho thấy nhiều yếu kém cả về khâu tổ chức cho đến mở rộng các hoạt động quân sự. Điều này là một trong những tác nhân khiến NATO không thể đẩy nhanh cuộc chiến.

Dốc sức nhiều cho cuộc chiến nhưng kết quả không thu lại bao nhiêu, thay vào đó hình ảnh lãnh đạo ở các nước đi đầu trong chiến dịch Libya như Anh, Pháp, Mỹ bị tổn hại. Đô đốc Mark Stanhope, người đứng đầu lực lượng hải quân Anh thừa nhận, Anh sắp cạn tiền trong chiến dịch quân sự vì chi phí đội lên quá cao.

Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì chiến dịch quân sự kéo dài làm thâm lạm ngân sách chính phủ. Còn Tổng thống Obama thì bị Hạ viện Mỹ dội gáo nước lạnh khi bác bỏ nghị quyết cho phép có hành động quân sự tại Libya.

AU nỗ lực thiết lập hòa bình

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã chủ trì cuộc họp Ủy ban cấp cao đặc biệt của Liên minh châu Phi (AU) trong ngày 26-6 để tìm ra các biện pháp tháo gỡ những bế tắc chính trị hiện nay tại Libya.

Vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại cuộc họp này là lộ trình giải quyết của AU cho vấn đề Libya, yêu cầu các bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, hoạt động tấn công quân sự từ bên ngoài vào Libya, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cần thiết đối với người dân Libya.

Cuộc họp này được tiến hành trước thềm cuộc họp thường niên lần thứ 17 của Liên minh châu Phi dự kiến tổ chức tại Guinea Bissau từ ngày 28-6 đến 1-7.

Theo dự kiến, vào hôm nay 27-6, Tòa án Hình sự quốc tế sẽ ban hành lệnh bắt giữ mới với ông Gaddafi về tội ác chống nhân loại. Tòa sẽ mở cuộc điều trần tại La Haye. Ông Luis Moreno-Ocampo, một ủy viên công tố Tòa án quốc tế cho biết đã có đủ bằng chứng để định tội ông Gaddafi cùng những người liên quan.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Corriere della Sera của Ý ngày 24-6, cựu Ngoại trưởng Libya Abdel Rahman Shalgham, phát ngôn viên chính thức của quân nổi dậy Libya tiết lộ ông Gaddafi sẽ bí mật rời khỏi Libya trong 2 hoặc 3 tuần nữa.

Tuy nhiên, thông tin này chưa được phía Chính phủ Libya xác nhận.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục