Khủng bố đẫm máu ở Na Uy: Cả thế giới bàng hoàng

Số người thiệt mạng sau hàng loạt vụ đánh bom ở khu trung tâm thủ đô Oslo và xả súng kinh hoàng vào trại hè ở đảo Utoeya của Na Uy đã lên đến 94 người. Cả thế giới bàng hoàng vì bạo lực mang bóng dáng của khủng bố đã lan đến một trong những quốc gia bình yên nhất thế giới, và là quê hương của Giải Nobel Hòa bình!
Khủng bố đẫm máu ở Na Uy: Cả thế giới bàng hoàng

Số người thiệt mạng sau hàng loạt vụ đánh bom ở khu trung tâm thủ đô Oslo và xả súng kinh hoàng vào trại hè ở đảo Utoeya của Na Uy đã lên đến 94 người. Cả thế giới bàng hoàng vì bạo lực mang bóng dáng của khủng bố đã lan đến một trong những quốc gia bình yên nhất thế giới, và là quê hương của Giải Nobel Hòa bình!

Thương vong không ngừng tăng

Theo AP, đây là vụ tấn công hàng loạt có số người chết nhiều nhất ở Tây Âu kể từ khi xảy ra vụ tấn công tại hệ thống xe lửa/xe điện Cercanías ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004 (191 người chết, 2.000 người bị thương). Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào chiều 22-7 ở khu vực trung tâm của thủ đô Oslo khi một chiếc ô tô đậu gần tòa nhà chính phủ bất ngờ phát nổ. Ít nhất 7 người thiệt mạng trong vụ nổ trên.

Lực lượng cứu hộ triển khai công tác tại đảo Utoeya. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ triển khai công tác tại đảo Utoeya. Ảnh: AFP

Sau đó vài giờ là vụ xả súng kinh hoàng vào một trại hè thường niên do đảng Lao động của Thủ tướng Jens Stoltenberg tổ chức trên đảo Utoeya (Tây Bắc Oslo) làm ít nhất 87 người thiệt mạng. Sự việc này được cho là có tính toán và lên kế hoạch khá cụ thể vì Thủ tướng Na Uy theo dự kiến sẽ có bài phát biểu trước 560 người có mặt tại trại hè trên.

Nhân chứng Dana Berzingi (21 tuổi) cho biết, tay súng đã giả dạng cảnh sát, gọi mọi người đến gần rồi bất thình lình rút súng bắn hàng loạt. Sau đó, hắn lấy khẩu súng ngắn hơn tiếp tục bắn vào đầu các nạn nhân cho đến chết. Một số người nhanh chóng tháo chạy và nhảy xuống biển để thoát thân. Nhưng tay súng không buông tha, tiếp tục chĩa súng bắn vào những người này. Dana cho biết, một số khác phải nằm giả chết để thoát thân. May mắn, anh lấy được chiếc điện thoại của một người bạn nằm bất tỉnh gần đó để gọi cho cảnh sát.

Emilie Bersaas (19 tuổi) cho biết thêm: “Nhiều người hoảng loạn bỏ chạy và gào thét. Tôi cố chạy đến ký túc xá gần nhất và tìm chỗ nấp an toàn. Thật không thể tưởng tượng nổi! Những điều này chúng tôi nghĩ chỉ có thể xuất hiện ở Mỹ!”. Jorgen Benone, một nhân chứng khác sống sót sau vụ tấn công, kể lại: “Mọi người nấp vào những tảng đá. Tôi chỉ biết im lặng để bảo vệ bản thân. Rồi tôi thấy tay súng chạy vụt qua, cách tôi 20-30m. Hắn chạy thật nhanh, nhảy xuống biển. Gần đó có một chiếc tàu đã chờ sẵn”. Hiện một số khu vực thuộc khu trung tâm thủ đô Oslo đã được phong tỏa và an ninh được thắt chặt ở nhiều nơi.

Động cơ của kẻ khủng bố chưa được xác định

Cảnh sát Na Uy đã bắt giữ nghi phạm người Na Uy có tên là Anders Behring Breivik, 32 tuổi. Kênh truyền hình TV2 cho biết, kẻ bị tình nghi có liên quan đến những phần tử cực hữu, người Thiên Chúa giáo và chống đối Hồi giáo. Hồ sơ đăng ký cho thấy, tên này hiện sở hữu hai loại vũ khí. Trên trang mạng xã hội cá nhân, tay súng này mô tả ngắn gọn mình thuộc tuýp người bảo thủ, thích săn bắn và đam mê những trò chơi điện tử có tính chiến đấu cao.

Nghi phạm Anders Behring Breivik.
Nghi phạm Anders Behring Breivik.

Một công ty cung cấp vật tư nông nghiệp tại Na Uy cho biết tên này đã từng mua 6 tấn phân bón hóa học của họ. Theo các chuyên gia chất nổ, một số dạng phân bón hóa học có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ.

Cùng ngày, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ một nam thanh niên tại khách sạn nơi Thủ tướng Jens Stoltenberg đang thăm hỏi những người sống sót sau vụ xả súng trên đảo Utoeya. Khi bị bắt, trong túi của thanh niên này có một con dao.

Na Uy từng xác nhận mối đe dọa lớn nhất của quốc gia này là những phần tử Hồi giáo cực đoan. Hiện Na Uy có 500 quân ở Afghanistan. Trong khi đó, một nhóm tự xưng là “Thánh chiến Hồi giáo toàn cầu” ngày 23-7 lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom Na Uy. Thông điệp của nhóm đưa ra là để trả thù việc Na Uy đưa quân đến Afghanistan.

Tuy nhiên, động cơ của hai vụ tấn công này vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát Na Uy ngày 23-7 nhận định rằng hai vụ tấn công này có liên quan với nhau và dường như không liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế. Một cảnh sát giấu tên cho rằng đây có thể là hành động của kẻ tâm thần.

Căm phẫn và lên án

Thủ tướng Jens Stoltenberg cho rằng đây là thảm kịch quốc gia. Ông nói: “Kể từ Chiến tranh thế giới lần 2 đến nay, chưa bao giờ Na Uy phải đối mặt với sự kiện khủng khiếp như thế!”. Ông nói còn quá sớm để kết luận ai đứng sau những vụ tấn công đẫm máu trên, nhưng nhấn mạnh những kẻ thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, lãnh đạo Mỹ, châu Âu lên án gay gắt  các vụ tấn công xảy ra ở Na Uy, một thành viên của NATO. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bày tỏ thái độ giận dữ trước hai vụ tấn công và cho rằng những hành vi tấn công trắng trợn này không thể dung thứ. Thủ tướng Australia Julia Gillard khẳng định Chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng những yêu cầu giúp đỡ nếu có từ phía Na Uy. Nhiều quốc gia khác cũng đã lên tiếng chỉ trích hai vụ tấn công bạo lực trên.

NHƯ QUỲNH

Theo báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu (GPI), các quốc gia Tây Âu là nơi an toàn nhất trên thế giới. Trong đó, Na Uy luôn là một trong những nước ở vị trí đầu bảng (vị trí thứ 9 năm 2011 và thứ 5 năm 2010). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Na Uy luôn giữ vị trí là quốc gia đáng sống nhất dựa theo những tiêu chuẩn về y tế, giáo dục, bình đẳng giới do LHQ công bố. Người Na Uy có tuổi thọ trung bình 81 tuổi, thu nhập bình quân mỗi năm là 58.810 USD/người.
 
Rick Falkvinge, người sáng lập đảng Hải tặc (đảng lớn thứ ba ở Thụy Điển) đã có bài viết với góc nhìn cá nhân: “Đêm qua, tôi không thể chợp mắt. Những gì diễn ra khiến tôi liên tưởng đến một khả năng có thể là sự thật đằng sau vụ tấn công hoặc mãi mãi chỉ là giả thiết. Thời trẻ, tôi thường tham gia các trại hè dành cho những thanh niên có đam mê và lý tưởng chính trị.

Mỗi khi tham dự trại hè khoảng 500 người như thế, tôi thường nghĩ đây là thời điểm thích hợp nhất nếu ai muốn chấm dứt tương lai một đảng phái. Tấn công những người này để làm lũng đoạn một thế hệ tiếp theo của một đảng trong 20-25 năm. Liệu đây có phải là cách suy nghĩ có vấn đề của một số thành phần cực đoan?”.

 

Tin cùng chuyên mục