Mỹ tính Kế hoạch B cho nợ công

Vẫn còn hy vọng?
Mỹ tính Kế hoạch B cho nợ công

Hiện bất cứ một quyết định nào, dù nhỏ nhất của Quốc hội Mỹ liên quan tới vấn đề nợ công cũng đều thu hút sự quan tâm của nhiều phía. Tới lúc này, Nhà Trắng đang nghiêng về đề xuất của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Harry Reid, theo đó cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.700 tỷ USD trong vòng 10 năm và tăng mức trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD, trong đó bao gồm cả khoản vay của Chính phủ Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2012.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Harry Reid, trả lời giới truyền thông về vấn đề nợ công của Mỹ.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Harry Reid, trả lời giới truyền thông về vấn đề nợ công của Mỹ.

Vẫn còn hy vọng?

Ủng hộ đề xuất trên cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ phương án của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, thành viên đảng Cộng hòa, trong đó đề xuất nâng trần giới hạn vay nợ của Chính phủ Mỹ thêm 1.000 tỷ USD từ nay đến cuối năm. Washington sẽ lại phải có một cuộc đàm phán khác về nâng mức trần nợ công trong năm bầu cử sắp tới. Kế hoạch của phe Cộng hòa còn yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật cắt giảm các chương trình trợ cấp, giảm 1.200 tỷ USD chi tiêu của các cơ quan chính phủ trong 10 năm tới.

Ông Boehner nhấn mạnh kế hoạch này đòi hỏi các mức giảm chi tiêu phải vượt mức nâng trần nợ mà không tăng thuế và đó là cách tiếp cận hợp lý duy nhất. Một điểm chung trong hai bản kế hoạch trên là không đề cập đến việc tăng thuế - điều kiện cần thiết mà Tổng thống Barack Obama đưa ra cho bất kỳ kế hoạch nào.

Trong lúc chưa thể thỏa hiệp được nâng mức trần nợ công, tâm trạng hoài nghi ngày càng gia tăng trong Quốc hội Mỹ về triển vọng một trong hai kế hoạch trên được thông qua đã buộc Nhà Trắng và các nghị sĩ phải cân nhắc các phương án khác nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney xác nhận chính phủ và các nhà lãnh đạo hai đảng tại Quốc hội đang thảo luận Kế hoạch B. Chi tiết kế hoạch này vẫn chưa được công bố. Trong lúc Washington đang tranh cãi về giải pháp tài chính cho nền kinh tế Mỹ, đồng USD tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Giá cổ phiếu của Mỹ trên thị trường chứng khoán cũng giảm do tâm lý lo lắng trước nguy cơ nền kinh tế số một thế giới rơi vào cảnh vỡ nợ.

Những hậu quả

Hãng AFP nhận định, nếu chính phủ và Quốc hội Mỹ không thể đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công, một loạt các hậu quả kinh tế diễn ra. Nước Mỹ sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng 9,2%. Chính phủ Mỹ sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì không có ngân sách. Lãi suất của phần lớn các khoản tín dụng cũng sẽ tăng, từ tín dụng cho vay tiêu dùng hay doanh nghiệp tới thế chấp mua nhà, mua ô tô hay thẻ tín du.ng. Giá trị đồng USD sẽ càng giảm hơn nữa và đe dọa tới vị thế đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới.

Hiện nay, các ngân hàng châu Âu đang mua lại tới 56% các khoản nợ công của Mỹ và châu Âu trở thành khu vực nắm giữ khoản nợ công của Mỹ nhiều nhất thế giới.

Khi nước Mỹ lún sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế do vỡ nợ thì cuộc khủng hoảng này sẽ lan tới các nước châu Âu - hiện cũng đang chống chọi với các khoản nợ công của Iceland, Hy Lạp, Ý... Trung Quốc và một số nước khác hiện nắm khoảng 50% tổng lượng trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ khi đó có thể sẽ bắt đầu bán tháo lượng trái phiếu này, khiến lãi suất càng tăng và nợ quốc gia phồng lên. Đây cũng có thể sẽ là một vòng xoáy đẩy lãi suất ngày một cao và nợ ngày một nhiều.

Vỡ nợ là trường hợp xảy ra khi Chính phủ Mỹ không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bao gồm việc trả nợ hoặc lãi của khoản nợ đó. Phần lớn các khoản vay của Chính phủ Mỹ là từ việc bán trái phiếu cho cá nhân và chính phủ các nước khác, với cam kết sẽ trả số tiền của trái phiếu này sau một khoảng thời gian nhất định và trả tiền lãi thường kỳ cho trái phiếu trong thời gian đó.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục