Bầu cử Mỹ: “Nóng” chặng đua nước rút

Không ngừng công kích nhau
Bầu cử Mỹ: “Nóng” chặng đua nước rút

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến bầu cử Mỹ. Những công tác chuẩn bị cuối cùng của 2 ứng cử viên đảng Dân chủ và Cộng hòa, đương kim tổng thống Barack Obama và cựu Phó thống đốc Mitt Romney, chỉ còn đếm từng giờ. Các cử tri Mỹ có thể cảm nhận được sức nóng trong những mét cuối cùng trước khi về đích của cả 2 ứng viên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ cử tri tại thành phố Milwaukee.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ cử tri tại thành phố Milwaukee.

Không ngừng công kích nhau

Cả ông Obama và Romney đã dành các ngày nghỉ cuối tuần đến một số địa phương để tiếp tục vận động cử tri bỏ phiếu cho mình. Tại TP Milwaukee, bang Wisconsin, ngôi sao nhạc pop Katy Perry, người ủng hộ ông Obama, trong chiếc váy xanh bắt mắt làm nổi bật slogan “Tiến lên”, đã giúp hâm nóng bầu không khí tại nơi 20.000 cử tri đang chờ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.

Xuất hiện trước đám đông, Tổng thống Mỹ Obama đã đả kích đối thủ của mình, cho rằng kế hoạch kinh tế của ông Romney là đưa Phố Wall quay trở lại thời kỳ “không kiểm soát” dẫn đến sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù được coi là “lãnh thổ an toàn” cho đảng Dân chủ, ông Obama vẫn chọn Wisconsin là điểm đến trong những ngày cuối bởi đây là quê nhà của Paul Ryan, người liên danh với ông Romney trong cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ. Sau Wisconsin, đương kim Tổng thống Mỹ đã dừng chân tại Iowa, bang đã ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Tại đây, ông cũng đã có bài vận động cử tri tại quảng trường TP Dubuque. Iowa là một trong 8 mặt trận quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau Iowa, ông Obama sẽ tiếp tục đến Virginia, một bang được biết đến là “siêu” bảo thủ.

Trong khi đó, ông Romney bắt đầu với New Hampshire và bài phát biểu cáo buộc đối thủ đảng Dân chủ của mình không hoàn thành nhiệm vụ chính trị. “Tôi không phải đại diện cho một đảng mà đại diện cho một quốc gia. Ông Obama sẽ khó có thể hợp tác với đảng Cộng hòa nếu tái đắc cử”, ông Romney nói. Trong khi đó, tại Colorado Springs, ông Romney cho rằng ngày bầu cử 6-11 tới là thời điểm hướng tới tương lai, đẩy lùi quá khứ đáng buồn với tỷ lệ thất nghiệp cao, giá cả hàng hóa tăng… trong 4 năm qua.

Chống gian lận

Hàng ngàn luật sư đổ về Ohio và một số bang chủ chốt khác. Sứ mệnh của họ là bảo đảm sao cho không có bất cứ một trường hợp bất hợp lệ nào xảy ra tại các phòng bỏ phiếu, cản trở chiến thắng của ứng cử viên mà họ đại diện. Ohio, nơi có thể trở thành điểm quyết định kết quả bầu cử, sẽ đón nhiều luật sư nhất. Ê kíp tranh cử của Obama đã cử 600/2.300 luật sư của mình đến Ohio.

Các luật sư của hai ứng viên sẽ theo dõi quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu, kiểm tra xem các máy bỏ phiếu có vận hành tốt hay không, xem có gian lận không và đảm bảo không có bất cứ cử tri hợp lệ nào bị gạt ra ngoài.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2000, khi tòa án tối cao ra quyết định về người thắng cuộc, sau hàng tuần tranh cãi về các kết quả tại tiểu bang Florida, các ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt đầu cần đến sự trợ giúp của nhiều chuyên gia pháp lý. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đặc biệt sít sao, vì thế, chắc chắn sẽ có rất nhiều khiếu nại.

Một khảo sát mới nhất do ABC News/Washington Post phối hợp thực hiện cho biết cả 2 ứng cử viên đều nhận được 48% sự ủng hộ của các cử tri. Tuy nhiên, theo AP, tại một số nơi có nhiều cử tri đi bỏ phiếu sớm, lợi thế đôi chút đang nghiêng về phía đương kim Tổng thống Mỹ.

 Tại Florida, nơi có 3,9 triệu người đã đi bỏ phiếu, 43% ủng hộ ông Obama trong khi con số này dành cho ông Romney là 40%; Iowa với khoảng 614.000 người thì tỷ lệ là 43% cho ông Obama, 32% cho ông Romney; Nevada với 628.000 người, 44%-Obama và 37%-Romney…

Bang kết thúc việc bỏ phiếu muộn nhất là Alaska, vào lúc 5 giờ ngày 7-11. Việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu vắng mặt đã bắt đầu từ một tháng trước đây. Vợ chồng Tổng thống Obama cũng đi bỏ phiếu sớm và kêu gọi cử tri làm như họ. Số lượng cử tri đi bầu cử sớm năm nay được cho là đạt mức kỷ lục, đến 40%, theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Mỹ.

Đỗ Văn (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục