Nước Mỹ chia rẽ vì chuyện kiểm soát súng đạn

Nước Mỹ chia rẽ vì chuyện kiểm soát súng đạn

Một tuần sau vụ xả súng kinh hoàng tại một trường học ở bang Connecticut, nước Mỹ lại chứng kiến thêm một vụ việc đau lòng nữa. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những động thái đầu tiên thể hiện quyết tâm ngăn chặn bạo lực từ súng đạn, rất nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm soát súng tại Mỹ sẽ vô cùng khó khăn khi “xứ cờ hoa” bị chia rẽ nặng nề.

  • Quyết tâm của Nhà Trắng

Nhà chức trách bang Pennsylvania cho biết ngày 21-12 đã có 4 người chết và 3 sĩ quan cảnh sát tuần tra bị thương trong một vụ xả súng làm náo động thị trấn Frankstown thuộc bang Pennsylvania, miền Đông nước Mỹ. 4 người thiệt mạng trong đó có cả kẻ bị tình nghi là hung thủ. Tay súng này đã bắn chết 2 người đàn ông và 1 phụ nữ trong một vụ lộn xộn rồi nổ súng vào cảnh sát tuần tra của bang khi những người này đến hiện trường. Sau đó, hung thủ bỏ chạy trên chiếc xe tải nhỏ và bị cảnh sát bắn chết khi hắn đấu súng với cảnh sát. Cảnh sát cho biết đang tiến hành điều tra nguyên nhân của vụ xả súng trên.

Người dân Mỹ tập trung trước Nhà Trắng kêu gọi chính phủ nước này thông qua đạo luật kiểm soát súng.

Người dân Mỹ tập trung trước Nhà Trắng kêu gọi chính phủ nước này thông qua đạo luật kiểm soát súng.

Vụ nổ súng mới nhất này diễn ra một ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc của Nhà Trắng về tăng cường kiểm soát súng đạn. Nhóm làm việc do Phó Tổng thống Biden đứng đầu có nhiệm vụ phối hợp giữa các bộ ngành và các nhóm xã hội hữu quan để ngay trong tháng 1-2013 có thể đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với vấn đề đang được cả xã hội Mỹ quan tâm. Ông Biden nhấn mạnh không có lý do gì để dự thảo sửa đổi luật cấm những vũ khí tấn công không được thông qua tại Quốc hội. Ông cũng khẳng định sẽ kêu gọi sự ủng hộ của các quan chức thực thi luật pháp đối với việc “mọi thứ từ đạn dược đến các loại vũ khí không được bày bán trên đường phố”.

  • Chia rẽ

Giám đốc điều hành Hiệp hội súng của Mỹ (NRA), ông Wayne LaPierre, đã lên tiếng bác bỏ việc kiểm soát súng. Theo ông LaPierre, giải pháp tức thì và hiệu quả giúp tăng cường an ninh các trường học, an toàn học sinh đó là trang bị vũ khí cho các nhân viên làm việc trong trường. “Tại sao súng có thể bảo vệ tổng thống, cảnh sát lại không được dùng để bảo vệ học sinh”, ông LaPierre lập luận.

Những người ủng hộ kiểm soát súng lập tức phản đối lý lẽ của ông LaPierre. Nghị sĩ đảng Dân chủ Carolyn McCarthy cho rằng chỉ có các quy định mới về kiểm soát súng đạn cũng như kiểm tra nhân thân, lý lịch người mua súng một cách chặt chẽ mới hy vọng tránh được các vụ thảm sát trong tương lai. Theo một thăm dò dư luận vừa được Reuters/Ipsos thực hiện, số người Mỹ mong muốn có biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ sau vụ xả súng ở Connecticut đã tăng 8 điểm, lên 50%.

Tổng thống Barack Obama đã rơi nước mắt khi hay tin vụ xả súng tại Connecticut và cam kết sẽ giảm thiểu bạo lực từ súng đạn. Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg, lập tức kêu gọi lãnh đạo Nhà Trắng nhanh chóng trình Quốc hội một dự luật cấm vũ khí. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng điều này khó có thể trở thành hiện thực. Điều 2 Hiến pháp Mỹ quy định người dân được phép trang bị súng để phòng thân và bảo vệ quốc gia. Những công ty sản xuất vũ khí, những tổ chức ủng hộ sử dụng súng như NRA và đặc biệt phe Cộng hòa của Mỹ luôn dựa vào quyền căn bản này để bác bỏ việc cấm sử dụng súng. Năm 2011, NRA đã chi 3,1 triệu USD để vận động hành lang các nhà lập pháp và các cơ quan liên bang. Trong khi đó, số tiền mà các nhóm ủng hộ kiểm soát súng bỏ ra để vận động sửa đổi luật kiểm soát vũ khí chỉ là 280.000 USD.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn còn u ám, các nhà sản xuất súng cho rằng nếu kiểm soát súng chặt chẽ có thể làm thiệt hại một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận 4,7 tỷ USD/năm và hàng trăm ngàn việc làm từ các nhà máy cho tới cửa hàng bán lẻ súng. Lập luận này bị các nhà hoạt động xã hội chỉ trích là mang nặng mùi tiền và vô đạo đức.

Những tranh cãi dai dẳng về việc cấm hay cho phép sử dụng súng tại Mỹ đã diễn ra từ năm 1981 sau vụ ám sát hụt cố Tổng thống Ronald Reagan. Để thay đổi điều 2 Hiến pháp Mỹ cần phải có sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ Quốc hội và phải tiến hành trưng cầu dân ý cho hiến pháp mới. Đó thật sự không phải là việc dễ dàng khi nước Mỹ bị chia rẽ. 

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục