Người dân châu Âu - Nói “không” với thắt lưng buộc bụng

Cắt giảm chi tiêu, tăng thuế…
Người dân châu Âu - Nói “không” với thắt lưng buộc bụng

Cuối tuần qua, biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng diễn ra rầm rộ tại nhiều thành phố lớn của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Người lao động với biểu ngữ: Nói không với chính sách thắt lưng buộc bụng; Thế đã đủ lắm rồi!

Người biểu tình tập trung ở quảng trường Terreiro do Paco, Lisbon (Bồ Đào Nha). Ảnh: AFP

Người biểu tình tập trung ở quảng trường Terreiro do Paco, Lisbon (Bồ Đào Nha). Ảnh: AFP

Cắt giảm chi tiêu, tăng thuế…

Ngày 11-2, Ủy ban Tài chính của Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt của Liên minh châu Âu (EU) để được nhận gói cứu trợ quốc tế lần thứ hai trị giá 130 tỷ EUR. Theo đó, chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ được tăng cường hơn, trong đó có việc giảm thêm 22% mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, EU còn yêu cầu Hy Lạp cắt giảm thêm chi tiêu trị giá 325 triệu EUR trong năm 2012 và yêu cầu lãnh đạo các đảng phái chính trị tại nước này tự cam kết bằng văn bản thực hiện đầy đủ chương trình cắt giảm chi tiêu và trợ cấp; tiến hành các cải cách cấu trúc nền kinh tế và quản lý hành chính. Nếu các điều kiện này được đáp ứng, EU sẽ nhóm họp và đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 15-2.

Hy Lạp (tỷ lệ nợ chiếm 160% GDP) có thể bị vỡ nợ vào ngày 20-3 tới, thời hạn bị buộc phải thanh toán 14,5 tỷ EUR trái phiếu đáo hạn.

Để thu về 26,5 tỷ EUR trong 5 năm tới, Chính phủ Áo ngày 10-2 đã thông qua gói biện pháp thắt lưng buộc bụng với mục tiêu cụ thể là hạn chế chi tiêu và tăng thuế. Những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là người nhận trợ cấp, lương hưu, riêng người lao động trong khu vực nhà nước cũng như người lao động sẽ phải chịu thêm gánh nặng vì nhiều sắc thuế.

Cùng ngày, ở Tây Ban Nha, chính phủ nước này quyết định giảm tối đa số tiền các ông chủ phải thanh toán cho người làm công khi kết thúc hợp đồng nhằm cải cách thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện lên tới gần 23% lực lượng lao động, gấp đôi mức trung bình của châu Âu.

Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân một phần do phí thanh toán tối đa quá cao, khiến giới chủ hạn chế thuê nhân công hoặc do sự khác biệt lớn trong thị trường lao động giữa một bên là các hợp đồng dài hạn được thương lượng tập thể với mức thanh toán cao và một bên nhân công tạm thời không nhận được nhiều sự bảo hộ.

Sai lầm và nghèo đói

Mới đây, nhật báo Les Échos về tài chính của Pháp đã đăng bài viết “Khủng hoảng trong kỷ nguyên đồng euro: 7 sai lầm tưởng như đùa” của cây bút Catherine Chatignoux chuyên trị mảng kinh tế-tài chính. Một trong những sai lầm được nhắc đến là lạm dụng chính sách kinh tế khắc khổ bằng cách thắt lưng buộc bụng. Một số diễn đàn của người lao động ở châu Âu nhận định rằng chính sách thắt lưng buộc bụng là cách các chính phủ buộc người lao động phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tuần rồi, báo cáo của 13 nước thành viên EU về tình trạng gia tăng số người bị coi là khốn khó cho thấy, khoảng 25% dân số tại EU có nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo đói hoặc không hội nhập được với xã hội. Số người nghèo ở những nước này tăng vọt so với năm 2009. Tây Ban Nha hiện ở mức 25,5% và Litva 33,4%. Hiện EU có tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục với hơn 23 triệu người không có việc làm.

Ngày 12-2, phản ứng trước những điều kiện khắt khe của EU, hàng ngàn người dân Hy Lạp bãi công, đổ xuống đường biểu tình, phần lớn tập trung ở thủ đô Athens và thành phố phía Bắc Thessaloniki.

Trong một động thái khá bất ngờ, Liên đoàn cảnh sát Hy Lạp ngày 11-2 đã gửi thư đến nhiều cơ quan quan trọng của EU, đe dọa sẽ ra trát bắt giữ một số quan chức EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có hành vi bất hợp pháp, can thiệp sâu vào việc gây áp lực để dẫn đến việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, đẩy người dân vào tình trạng khốn khó.

Bày tỏ thái độ nói không với việc chống lại người dân Hy Lạp chính là cách để thể hiện tình đoàn kết với cả cộng đồng. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình để bảo đảm an ninh cho chính người biểu tình.

Tại Bồ Đào Nha, người biểu tình đổ về thủ đô Lisbon để gia tăng áp lực với chính phủ nước này trong khi chỉ còn vài ngày nữa, EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF sẽ đến Bồ Đào Nha để bàn về những điều kiện cứu trợ. Tổng Thư ký Tổng liên đoàn lao động Bồ Đào Nha Armenio Carlos cho biết có tới hơn 300.000 người tham gia cuộc biểu tình. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Lisbon trong 3 thập kỷ qua.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục