Vụ bắt cóc con tin tại Algeria - Phiến quân “phản pháo” chiến dịch quân sự ở Mali

Nhiều con tin còn bị giam giữ
Vụ bắt cóc con tin tại Algeria - Phiến quân “phản pháo” chiến dịch quân sự ở Mali

Ngày 17-1, quân đội Algeria đã mở vụ đột kích giải thoát hàng chục con tin nước ngoài bị phiến quân bắt giữ tại khu mỏ khí đốt do Tập đoàn dầu khí BP (Anh) hợp tác khai thác với Algeria và Na Uy.

Khu mỏ khí đốt, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin tại Algeria.

Khu mỏ khí đốt, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin tại Algeria.

Nhiều con tin còn bị giam giữ

Theo lời tuyên bố của bọn bắt cóc, vụ việc này nhằm trả đũa việc Algeria cho Pháp mượn không phận tấn công các nhóm có liên hệ với Al Qaeda ở Mali. Đây chính là vụ trả thù đầu tiên nhằm vào người nước ngoài sau khi Pháp và một số quốc gia khác mở chiến dịch quân sự tại Mali. Bộ trưởng nội vụ Algeria Daho Ould Kabila cho biết, các phiến quân là người Algeria và hoạt động dưới lệnh của Mokhtar Belmokhtar, từng là một thủ lĩnh cấp cao của mhóm “al-Qaeda Hồi giáo Maghreb” (AQIM) cho tới cuối năm ngoái, khi tên này thành lập nhóm vũ trang riêng sau khi bất đồng với các thủ lĩnh khác.

Vụ bắt cóc đã gây chấn động dư luận quốc tế bởi số người bị bắt cóc được xác định lên tới 41 người, gồm các công dân đến từ Anh, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Na Uy, Romania, Colombia, Thái Lan, Philippines, Ireland, Hàn Quốc và Armenia… Hãng thông tấn AFP cho biết, các tay súng yêu cầu thả tự do cho 100 người Hồi giáo bị bắt ở Algeria, để đổi lấy con tin. Nhóm này còn yêu cầu Pháp chấm dứt chiến dịch quân sự ở Mali.

Theo Sky News, khoảng 20 phiến quân Hồi giáo ngày 16-1 đã tấn công một xe buýt chở hầu hết là các công nhân nước ngoài đang trên đường tới sân bay ở thành phố Amenas, Algeria. Nhóm này sau đó di chuyển và tấn công khu mỏ khí đốt ở sa mạc miền Nam nước này và giam giữ các con tin tại đây. Khu mỏ bị tấn công do công ty dầu mỏ quốc gia Sonatrach của Algeria, cùng hãng BP (Anh) và Statoil (Na Uy) vận hành.

Thông tin về số người thiệt mạng lẫn trốn thoát vẫn chưa được bên nào xác nhận. Hãng tin Algeria APS cho biết vụ đột kích đã giải cứu được 2 người Anh, 1 người Pháp và 1 người Kenya. Theo Reuters, vụ tấn công đã làm  thiệt mạng 6 con tin, 8 phiến quân. Hiện vẫn còn 7 con tin bị giam giữ gồm 2 người Mỹ, 3 người Bỉ, 1 người Nhật Bản và 1 người Anh. Trước đó, hãng tin ANI cho biết, 34 con tin và 15 phiến quân thiệt mạng trong vụ đột kích. Kênh truyền hình Al Jazeera cũng tường thuật một bản tin tương tự. Cũng theo Reuters, lực lượng an ninh Algeria cho biết đã có khoảng 25 con tin đã trốn thoát. Còn  theo hãng tin AFP, số con tin đã trốn thoát là 45 người, trong đó có 30 người Algeria.

Lên kế hoạch giải thoát

Đáp trả lại những yêu cầu của nhóm phiến quân, Bộ trưởng Nội vụ Algeria Daho Oul Kablia cho biết, không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của những kẻ khủng bố và từ chối tất cả mọi biện pháp thương lượng.

Chính phủ của các nước có con tin bị giam giữ đã tổ chức các cuộc họp khẩn nhằm đưa giải pháp cứu thoát con tin và yêu cầu nhóm phiến quân đảm bảo an toàn cho họ. Nhiều nước đã thiết lập các đội đặc biệt để giúp giải cứu công dân. Mỹ xác nhận có các con tin nước mình bị bắt giữ, và chỉ trích vụ tấn công là hành động khủng bố. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leona Panetta cho biết: “Tôi muốn đảm bảo với người Mỹ rằng nước Mỹ sẽ làm mọi điều cần thiết để đối phó với vụ việc này”. Chính phủ Na Uy cũng đã cử đội khẩn cấp tới Algeria sau khi xác nhận 13 công dân nước này bị bắt làm con tin.

P.Nam - N.Quỳnh (tổng hợp)

- Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chấp nhận chiến dịch quân sự tại Mali

Tin cùng chuyên mục