Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động vì hết ngân sách!

Không ai nhường ai
Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động vì hết ngân sách!

Lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động vì hết ngân sách. 11 giờ trưa ngày 1-10 (giờ Việt Nam) là thời điểm kết thúc ngân sách tài khóa 2013, nhưng Quốc hội lưỡng viện Mỹ vẫn không đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách mới.

Một phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán New York.

Một phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán New York.

Không ai nhường ai

Diễn biến mới này càng chứng minh cho sự đối đầu căng thẳng giữa đảng Cộng hòa đang kiểm soát tại Hạ viện với đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện.

Trước khi bước sang ngày 1-10, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng Sylvia Mathews Burwell đã chỉ thị các cơ quan liên bang bắt đầu áp dụng những biện pháp khi kịch bản chính phủ đóng cửa xảy ra. Tổng thống Barack Obama cũng đã ký thông qua một đạo luật nhằm đảm bảo các binh sĩ được trả lương trong suốt thời gian chính phủ tạm ngừng hoạt động. Trong một thông điệp phát đi trên truyền hình, ông Obama cam kết lực lượng quân đội nước này vẫn duy trì các nhiệm vụ như bình thường, song cũng cảnh báo nhân viên Bộ Quốc phòng cần chuẩn bị cho việc trả lương chậm có thể xảy ra.

Chỉ vài phút trước khi chính phủ Mỹ đóng cửa (về mặt kỹ thuật), Hạ viện Mỹ đã triệu tập để đưa ra yêu cầu chính thức đàm phán với Thượng viện. Nhưng thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid tuyên bố ông sẽ không tham gia đàm phán trong tình cảnh như vậy mặc dù ngân sách cho hoạt động của chính phủ sẽ cạn kiệt. Ông H.Reid kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa thay vào đó hãy thông qua phương án đã được Thượng viện đồng thuận, theo đó cung cấp ngân sách để chính phủ hoạt động đến ngày 15-11.

Thiệt hại không nhỏ

Theo dự đoán của hãng nghiên cứu IHS, khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào ngày 1-10, nền kinh tế số một thế giới sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD/ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Đây chỉ là một phần nhỏ với nền kinh tế 15.700 tỷ USD, nhưng ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm. Trước đó, IHS dự đoán GDP Mỹ sẽ tăng 2,2% trong quý 4 năm nay so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu chính phủ bị đóng cửa trong 1 tuần, tốc độ này sẽ chỉ còn 2%. Nếu tình hình này kéo dài tới 21 ngày như năm 1996, tăng trưởng sẽ giảm khoảng 0,9% - 1,4%.

Về nhân sự, theo dự tính của hãng tin Reuters, có khoảng 800.000 - 1 triệu nhân viên liên bang có thể phải nghỉ việc không lương từ ngày 1-10. Mặc dù phần lớn nhân viên liên bang phải nghỉ việc, nhưng một lượng nhỏ những người có liên quan tới việc đảm trách an ninh quốc gia sẽ vẫn làm việc bình thường. Số này bao gồm nhân viên kiểm soát không lưu, giám ngục, thanh tra an toàn thực phẩm, quân nhân...

Về hoạt động tài chính, tờ Washington Post cho biết, những công ty hy vọng thu hút được thêm vốn từ hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có thể phải trì hoãn kế hoạch của mình. Các doanh nghiệp vẫn có thể đệ trình hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán và hối đoái (SEC), nhưng cơ quan này cho biết, việc xử lý và thông qua các đơn xin sẽ phải hoãn lại trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động. Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu.

Theo CNBC, các cơ quan nhà nước đóng cửa ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế Mỹ. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, các chỉ số tương lai vẫn đang tăng nhẹ, nhưng theo giới phân tích, xu hướng này chủ yếu là do giới đầu tư trước đó vẫn hy vọng về một thỏa thuận ngân sách. Sự đi xuống của thị trường chứng khoán rất có thể sẽ xảy ra, nếu như tình trạng ngưng hoạt động của chính phủ Mỹ kéo dài. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD bắt đầu giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ.

 
 

Từ năm 1976 tới nay, chính phủ Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 18 lần. Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ đóng cửa vào năm 1996 kéo dài trong 21 ngày và một số lần khác chỉ đóng cửa đúng 1 ngày (các năm 1982, 1984, 1986...). Giữ kỷ lục về số lần đóng cửa chính phủ nhiều nhất đến nay vẫn thuộc về chính phủ Ronald Regand khi phải đóng cửa tới 8 lần, đứng thứ 2 là chính phủ G.Carter đóng cửa 4 lần. Chính phủ B.Clinton đóng cửa 2 lần.

Kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ cách đây 17 năm được tái diễn với 2 nhân vật chính là Tổng thống đảng Dân chủ và Nghị viện đảng Cộng hòa. Nguyên nhân của việc đóng cửa chính phủ Mỹ cách đây 17 năm cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Tổng thống Bill Clinton thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số, về vấn đề dự toán ngân sách cho kế hoạch cải cách chăm sóc y tế, giáo dục và môi trường.

 
 
 

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục