Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lại “nóng”

Ngày 23-11, Trung Quốc tuyên bố thành lập “khu vực xác định phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. ADIZ có hiệu lực từ 10 giờ sáng cùng ngày (giờ Bắc Kinh). Nhật Bản đã có ngay phản ứng.
Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lại “nóng”

Ngày 23-11, Trung Quốc tuyên bố thành lập “khu vực xác định phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. ADIZ có hiệu lực từ 10 giờ sáng cùng ngày (giờ Bắc Kinh). Nhật Bản đã có ngay phản ứng.

        Trung Quốc: ADIZ là biện pháp cần thiết

Một thông báo bằng tiếng Anh về tuyên bố thành lập ADIZ được Tân Hoa xã và trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng đăng tải. Theo quy định của ADIZ này, các chuyến bay vào đây phải tuân thủ các luật: Phải thông báo trước kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Ngoại giao hoặc Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc; khi bay vào khu vực ADIZ phải duy trì kênh thông tin 2 chiều qua sóng radio để trả lời đúng lúc và chính xác các yêu cầu của cơ quan phụ trách khu vực bay; máy bay vào ADIZ nếu được trang bị bộ phát đáp radar thứ cấp phải duy trì hoạt động trong suốt quá trình bay; máy bay phải có logo cho biết rõ quốc tịch và biểu tượng đăng ký theo quy định các điều ước quốc tế có liên quan; nên làm theo các hướng dẫn của cơ quan quản lý khu vực phòng không.

Ngoài ra, quy định của khu vực phòng không này khẳng định, lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với máy bay vào khu vực này nhưng không hợp tác hoặc từ chối làm theo hướng dẫn. Chưa rõ các biện pháp này là gì nhưng theo các chuyên gia Trung Quốc, có thể trường hợp máy bay nào vào khu vực ADIZ mà không tuân thủ những luật này phía Trung Quốc sẽ bắn hạ máy bay đó, nếu xét thấy đe dọa an ninh nước này.

Tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Yajun, nói: “Đây là một biện pháp cần thiết để Trung Quốc thực hiện quyền tự vệ của mình và không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào và không ảnh hưởng đến quyền tự do của các chuyến bay qua vùng trời có liên quan”.

Theo ông Yang, nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, thực thi ADIZ vì lợi ích an ninh quốc gia. Hơn 20 quốc gia, bao gồm một số nước láng giềng của Trung Quốc, đã có ADIZ từ những năm 1950. Ông Yang nói thêm rằng hành động của Chính phủ Trung Quốc là phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Cũng theo ông Yang, điểm cực Đông của vùng biển Hoa Đông “rất gần với Trung Quốc nên máy bay chiến đấu có thể dễ dàng xâm nhập không phận Trung Quốc từ điểm này”.

        Căng thẳng lan rộng

Theo Kyodo, Nhật Bản đã mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc thiết lập ADIZ và cho là đã chồng lấn với ADIZ mà Nhật Bản đã tuyên bố trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á - châu Đại Dương Junichi Ihara đã gọi điện cho Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản Hàn Chí Cường bày tỏ sự phản đối, khẳng định hành động này của Bắc Kinh có thể làm gia tăng căng thẳng về vấn đề tranh chấp biển đảo hiện nay giữa hai nước.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tăng cao trong gần 3 năm qua. Nếu như thời gian đầu, 2 bên chỉ căng thẳng về hải quân thì đến năm 2012-2013, căng thẳng lan sang không quân khi cả 2 triển khai các máy bay chiến đấu vào vùng trời phía trên quần đảo tranh chấp. Trong tháng 11-2013, một chỉ huy quân sự đã nghỉ hưu của Trung Quốc cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công của Nhật Bản vào máy bay của Trung Quốc sẽ được phía Trung Quốc xem là “phát súng khai hỏa” chiến tranh.

Trước đó, tờ báo Sankei của Nhật Bản cho biết nước này có thể xem xét quy định mới cho phép bắn hạ máy bay không người lái vào không phận của mình.

Báo Washington Post dẫn lời ông Jin Canrong, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc thành lập ADIZ “sẽ làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản”. Tờ báo dẫn lời ông Sugio Takahashi, giảng viên kỳ cựu tại Học viện Quốc phòng Tokyo nói rằng: Đây là thách thức mới của Trung Quốc với Nhật Bản trong việc kiểm soát khu vực đảo tranh chấp.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, nước này đã thử nghiệm thành công máy bay tàng hình không người lái đầu tiên. Máy bay Lijian (Kiếm sắc) đã bay khoảng 20 phút hôm 21-11 tại Thành Đô. Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, đó có thể là “một bản sao” của máy bay Mikoyan Skat của Nga và giống với chiếc X-47B của Mỹ. Tuy nhiên, không có bất kỳ chi tiết về các vật liệu sử dụng chế tạo máy bay.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục