Mỹ quyết truy đuổi Snowden

WikiLeaks hỗ trợ Snowden
Mỹ quyết truy đuổi Snowden

Ngay sau khi có tin cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden đã đến Nga và xin tỵ nạn ở Ecuador, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Nga thực hiện mọi biện pháp để trục xuất trước khi cựu điệp viên CIA có cơ hội bay sang Nam Mỹ để tránh lệnh dẫn độ của Washington. Tuyên bố được đưa ra khi Chính phủ Mỹ thất bại trong việc yêu cầu Hồng Công (Trung Quốc) bắt giữ Snowden để xét xử tội phản quốc.

Thông tin về Edward Snowden trở thành đề tài nóng trong làng báo quốc tế.

Thông tin về Edward Snowden trở thành đề tài nóng trong làng báo quốc tế.

WikiLeaks hỗ trợ Snowden

Thông tin Edward Snowden xin tỵ nạn ở Ecuador được Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino, hiện đang ở thăm Việt Nam, xác nhận với báo giới sáng ngày 24-6 tại Hà Nội. Ông không nói rõ Chính phủ Ecuador sẽ làm gì nhưng nhấn mạnh sẽ phân tích đề nghị xin tỵ nạn của Snowden một cách có trách nhiệm.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đang xin tỵ nạn ở Đại sứ quán Ecuador tại Luân Đôn trả lời phỏng vấn New York Times khẳng định chính WikiLeaks đã hỗ trợ cho cựu điệp viên CIA trong việc xin tỵ nạn chính trị tại “một quốc gia dân chủ” và tổ chức cho Snowden ra khỏi Hồng Công.

Wikileaks cho biết các cố vấn pháp lý của WikiLeaks cũng đã đồng hành với Snowden trên chuyến bay tới Mátxcơva. Theo các báo Nga, các bác sĩ của Đại sứ quán Ecuador tại Mátxcơva đã kiểm tra sức khỏe cho Snowden ngay tại sân bay Sheremetyevo-2. Đại sứ Ecuador tại Nga Patricio Chavez cũng đã đến sân bay Sheremetyevo-2 sau khi máy bay chở Snowden hạ cánh.

Thông tin ban đầu của AP cho biết, Snowden sẽ bay khỏi Nga để tới thủ đô Havana của Cuba trong ngày 24-6, nơi anh này đặt vé một chuyến bay khác đi Caracas, Venezuela. Lộ trình đó có thể cho phép Snowden bay tới Ecuador mà không gặp phải nguy cơ bị giới chức Mỹ bắt giữ.

Cũng theo ông chủ WikiLeaks, trong thời gian ở Hồng Công, Snowden đã nhận được một số giấy tờ liên quan đến vấn đề xin tỵ nạn tại Ecuador. Tuy nhiên, những giấy tờ này không đồng nghĩa với việc chính phủ Ecuador chấp nhận cho Snowden tỵ nạn tại nước này.

Chính phủ Mỹ đề nghị Ecuador không chấp nhận đơn xin tỵ nạn chính trị của Snowden. Song song đó, Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố hủy bỏ tính hợp pháp hộ chiếu của Snowden và yêu cầu các nước như Cuba, Iceland, Venezuela từ chối cho Snowden nhập cảnh. Chính phủ Cuba cùng ngày lên tiếng cho biết chưa có bất kỳ thông tin nào về việc Snowden sẽ quá cảnh ở Cuba.

“Biến mất” ở Mátxcơva

Tuy nhiên, chiều 24-6, Snowden không có mặt trên chuyến bay của hãng Aeroflot từ Mátxcơva đến Havana. Diễn biến này làm dấy lên câu hỏi kế hoạch tiếp theo của Snowden là gì. Trước đó, một nguồn tin tiết lộ Snowden đã được đăng ký đi trên chuyến bay từ Mátxcơva đến Havana, số ghế 17-A và 17-C, song phóng viên các hãng tin lớn khẳng định ghế này bỏ trống.

Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin cho biết có khả năng cựu nhân viên CIA Snowden đã rời khỏi nước Nga bằng một máy bay khác. Theo các nhà phân tích, có thể một kế hoạch trốn thoát khác của Snowden đã được thực hiện. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra khả năng có thể Chính phủ Nga đã bắt giữ anh ta.

Ông chủ WikiLeaks Assange cho biết Snowden đã rời khỏi Mátxcơva và đang trên chặng đường đến Ecuador, tuy nhiên không cho biết hiện tại cựu điệp viên CIA đang ở đâu mà chỉ nhấn mạnh Snowden đang ở một nơi an toàn.

Hiện vẫn chưa ai thấy Snowden xuất hiện ở Mátxcơva sau khi rời khỏi Hồng Công. Các hành khách trên chuyến bay từ Hồng Công đến Mátxcơva cũng không thể xác nhận sự có mặt của Snowden trên máy bay.

Rạn nứt quan hệ ngoại giao

Theo hãng tin Reuters, vụ truy đuổi Edward Snowden của Chính phủ Mỹ đang gây ra những rạn nứt trong quan hệ của Mỹ với một số quốc gia, trước mắt là Trung Quốc và Nga. Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nga về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Mátxcơva không dẫn độ Edward Snowden về Mỹ.

Giới chức Mỹ cho rằng sau khi đối đầu với Mỹ về vấn đề Syria, Iran, bây giờ Nga lại gây khó Mỹ về Snowden. Những trở ngại liên tiếp trong quan hệ hai nước sẽ càng làm tiến trình cài đặt lại quan hệ với Nga tiếp tục gặp nhiều trở ngại. Chính phủ Nga cho biết họ không có bất kỳ thông tin nào về việc Snowden đến Nga và họ cũng không theo dõi việc đó.

Đối với Hồng Công, Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng sau khi Hồng Công để Snowden bay đến Nga với lý do chưa có đủ thông tin để tiến hành bắt giữ và cũng không có đủ cơ sở pháp lý để ngăn cản Snowden rời khỏi Hồng Công. Trong khi từ chối yêu cầu của Mỹ, chính quyền Hồng Công cũng yêu cầu Mỹ trả lời rằng Chính phủ Mỹ có tiến hành các hoạt động gián điệp chính quyền Hồng Công không.

Quyết định của Hồng Công đang làm Washington nghi ngờ có sự can thiệp của Trung Quốc, quốc gia đã phê phán Mỹ về chương trình giám sát bí mật giữa lúc hai nước đang có nhiều mâu thuẫn xung quanh vấn đề gián điệp.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Thông tin liên quan

- Snowden muốn đến Ecuador tị nạn

- Snowden rời Hồng Công

- Edward Snowden muốn tị nạn ở Iceland

- Snowden dọa tiết lộ thêm về chương trình bí mật

Tin cùng chuyên mục