“Trò chơi chờ đợi” ở Syria

Khả năng QH Mỹ sẽ hậu thuẫn?
“Trò chơi chờ đợi” ở Syria

Trong khi Tổng thống Barack Obama hoãn tấn công chống Syria để chờ “xin ý kiến” của Quốc hội (QH) Mỹ, ngày 2-9, thêm một chiếc tàu vận tải đổ bộ đang trên đường tới Địa Trung Hải, khu vực vốn đã có sự hiện diện của 5 tàu khu trục sẵn sàng cho khả năng tấn công bằng tên lửa vào Syria.

Khả năng QH Mỹ sẽ hậu thuẫn?

Trước đó, Tổng thống Obama đã trì hoãn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ 5 tàu khu trục ngoài khơi bờ biển Syria thêm ít nhất 9 ngày nữa cho tới khi QH biểu quyết về vấn đề này. Theo giới quan sát, động thái này cho các nhà hoạch định kế hoạch quân sự có thêm thời gian để quyết định duy trì tàu hoặc vũ khí nào tại khu vực. Thượng nghị sĩ Rand Paul của đảng Cộng hòa thì cho rằng Thượng viện “sẽ phê chuẩn những gì tổng thống muốn, nhưng kết quả tại Hạ viện ít nhất là 50 - 50 về khả năng can thiệp vào cuộc chiến Syria”. Chỉ có các bằng chứng, bao gồm thông tin mới về khí sarin, mới có khả năng thuyết phục QH cao.

Trong khi đó, quân đội Mỹ ráo riết triển khai thêm lực lượng ở Địa Trung Hải. Chiếc tàu USS San Antonio (ảnh) vừa được triển khai, chở một số trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ, “đang đóng tại Đông Địa Trung Hải” song các tướng lĩnh quân đội Mỹ nói họ “không nhận một nhiệm vụ cụ thể nào”. Khác với các tàu khu trục được triển khai trong khu vực này, San Antonio không mang tên lửa hành trình Tomahawk nhưng có khả năng chở tới 4 trực thăng và đưa lính thủy đánh bộ vào bờ bằng trực thăng hoặc tàu đổ bộ. Hiện có 5 tàu khu trục ngoài khơi bờ biển Syria, gồm USS Stout, Mahan, Ramage, Barry và Graveley, tất cả đều sẵn sàng bắn tên lửa hành trình khi Tổng thống Obama phát lệnh.

Ráo riết trưng ra các bằng chứng

Sau khi các nghị sĩ Anh bác đề xuất của Thủ tướng David Cameron - thất bại đầu tiên của Thủ tướng Anh kể từ năm 1782 trong việc phê chuẩn hành động chiến tranh, Washington quyết định tham khảo ý kiến của QH trong việc tấn công Syria. Không chỉ Mỹ, đến lượt Tổng thống Pháp Hollande cũng cho biết sẽ đợi ý kiến của QH trước khi cam kết cho lực lượng quân đội Pháp tham gia tấn công Syria. Quyết định của ông Hollande phần nào gây ngạc nhiên bởi hai lẽ: thứ nhất, mới tuần trước ông Hollande còn “lớn tiếng” trong việc trừng phạt Syria; thứ hai theo hiến pháp nước này chính phủ không cần phải xin ý kiến QH để ra lệnh cho hành động quân sự.

Ngày 2-9, trong khi các thanh sát viên vũ khí hóa học LHQ vẫn chưa đưa ra kết quả điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria, thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã xuất hiện trên một loạt kênh truyền hình lớn của Mỹ như CNN, CBS, NBC, Fox News và ABC để công bố các bằng chứng về việc sử dụng khí độc sarin trong vụ tấn công ở ngoại ô Damascus và hối thúc QH Mỹ bỏ phiếu ủng hộ hành động quân sự nhằm vào Syria. Phát biểu trên kênh truyền hình NBC, ông Kerry nói giới phân tích tình báo đã tìm hiểu về các mẫu vật được cung cấp cho Mỹ và cũng đã được các chuyên gia y tế có mặt đầu tiên tại phía Đông Damascus kiểm tra. Ông Kerry tự tin rằng những bằng chứng cho quyết định tấn công “đang ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Trong khi đó, tình báo Pháp đã thông báo cho giới lãnh đạo nước này biết thông tin về vũ khí hóa học của chính quyền Syria, theo đó Damascus sở hữu hơn 1.000 tấn khí độc tự sản xuất. Theo tờ Le Journal du Dimanche, các dữ liệu chứa đựng thông tin được tình báo thu thập trong vòng 30 năm, trong đó trình bày về chương trình vũ khí hóa học Syria, có kèm theo bản đồ đánh dấu các kho chứa chất độc. Đây được xem là bằng chứng để chính quyền Pháp thuyết phục người dân về sự cần thiết của hành động quân sự chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong bối cảnh tại châu Âu, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Italy và Hy Lạp, đã cảnh báo sẽ phản đối mọi hành động quân sự.

Trong khi Mỹ và các nước đồng minh ráo riết trưng bằng chứng về vũ khí hóa học của Chính phủ Syria, thì bằng chứng của LHQ vẫn còn nằm trong phòng thí nghiệm. Các chuyên gia LHQ đã rời Syria từ ngày 31-8 nhưng cơ quan này vẫn chưa thông báo khi nào họ hoàn thành khâu phân tích để đưa ra được kết luận cuối cùng. Theo CNN, kết luận cuối cùng vẫn chỉ là hình thức thủ tục, các nước lớn đang chơi “trò chơi chờ đợi” mà thôi.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục