Mỹ tìm thêm đồng minh ủng hộ tấn công Syria

Ráo riết vận động
Mỹ tìm thêm đồng minh ủng hộ tấn công Syria

Hãng AFP ngày 8-9 đưa tin, sau thất bại tại hội nghị G20, Tổng thống Obama lại gây ngạc nhiên khi cùng với người đồng nhiệm Pháp là ông Hollande tuyên bố đã nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về kế hoạch tấn công Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì khẳng định số nước bật đèn xanh cho kế hoạch đã lên đến hai con số. Thậm chí còn có những quốc gia ủng hộ tham chiến.

Sơ đồ bố trí quân đội nước ngoài bao vây Syria.

Sơ đồ bố trí quân đội nước ngoài bao vây Syria.

Ráo riết vận động

Một ngày trước phiên bỏ phiếu toàn thể ở Thượng viện về dự luật tấn công Syria, Tổng thống Obama đã tăng cường sự vận động để cuộc bỏ phiếu được thông qua suôn sẻ. Ông liên tục kêu gọi lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đồng lòng về kế hoạch. Hãng AFP nhận định, ông Obama đã thể hiện thái độ quá nóng vội khi không thể chờ đến khi LHQ công bố bản điều tra về việc liệu quân đội Syria có sử dụng vũ khí hóa học hay không. Giới phân tích cho rằng, dường như tuyên bố đồng lòng của Tổng thống Obama và ông Hollande là muốn lôi kéo thêm sự ủng hộ của quốc hội hai nước về “một cuộc chiến vì chính nghĩa”. 

Cho đến nay, Pháp là quốc gia duy nhất đang thể hiện ủng hộ mạnh mẽ một cuộc tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu bất chấp sự phản đối từ dư luận. Báo Le Figaro công bố điều tra dư luận cho thấy, hơn 2/3 người dân Pháp phản đối nước này tham gia cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Người dân Pháp tỏ thái độ bất mãn với Tổng thống Hollande khi ông sẵn sàng ủng hộ Mỹ và để quân đội tham chiến trong khi kinh tế đang là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Trong khi đó, những người Mỹ phản đối cuộc tấn công Syria đã liên tục kêu gọi tuần hành yêu cầu Chính phủ của ông Obama xem xét lại kế hoạch. Dự kiến, một cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối cuộc chiến sẽ diễn ra tại thủ đô Washington vào ngày 9-9, cùng thời điểm với phiên bỏ phiếu toàn thể của Thượng viện. Theo bà Sarah Sloan thuộc Liên minh ANSWER, tổ chức lên kế hoạch cho cuộc biểu tình trên, các văn phòng của Quốc hội Mỹ đã bị ngập đầu bởi các cuộc gọi, fax và thư điện tử. Người dân Mỹ yêu cầu các đại diện do họ bầu biểu quyết chống lại dự thảo nghị quyết chiến tranh của Tổng thống Barack Obama.

Syria đối phó với tấn công

Các chính đảng Syria đã nhất trí tạm gác mọi bất đồng và  chung sức để bảo vệ đất nước trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang đe dọa tấn công quân sự vào nước này. Tại một cuộc thảo luận về hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài có thể xảy ra, ban lãnh đạo cầm quyền và lãnh đạo các chính đảng khác của Syria khẳng định hành động xâm lược của Mỹ và phương Tây sẽ khiến tất cả các lực lượng đoàn kết lại, bất chấp khác biệt về quan điểm chính trị và tư tưởng. Bộ trưởng Bộ Y tế Syria Saad al - Nayef đã yêu cầu tất cả các bệnh viện công và trung tâm y tế chuẩn bị thuốc men và thiết bị y tế để đối phó với mọi tình huống khẩn cấp.

Trong khi đó, các đại biểu tham dự “Hội nghị phản đối cuộc xâm lược của Mỹ nhằm vào thế giới Arab” tổ chức tại thủ đô Cairo của Ai Cập đã bác bỏ các tuyên bố gần đây của Washington về bảo vệ người dân Syria bằng cách phát động chiến dịch quân sự nhằm vào quốc gia này, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ Syria, chống lại âm mưu chia rẽ các nước Arab.

Chủ tịch đảng Trào lưu nhân dân Ai Cập Hamdeen Sabbahi cảnh báo chiến dịch quân sự nhằm vào Syria sẽ biến nước này thành cứ địa của các nhóm khủng bố có tổ chức và gây tác động tới an ninh quốc gia của tất cả các nước Arab.

Tại hội nghị, cũng có một số ý kiến cho rằng hành động xâm lược Syria không phải bắt đầu từ lời đe dọa tấn công của Mỹ mà là từ khi chính quyền một số nước Arab hỗ trợ cho các nhóm phiến quân nước ngoài nhằm phá hoại quốc gia Trung Đông này.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch đánh Syria

Tin cùng chuyên mục