Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tấn công Syria

Thái độ nước đôi
Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tấn công Syria

Trong khi cuộc khủng hoảng Syria đang có những diễn biến mới theo chiều hướng khá tích cực sau khi Nga đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, Mỹ một mặt cam kết về một cơ hội ngoại giao cho chính quyền Damascus, một mặt tuyên bố tiếp tục để ngỏ khả năng tấn công quân sự.

Người Đức biểu tình chống cuộc chiến tại Syria với khẩu hiệu “Chấm dứt tấn công, bắt đầu đối thoại”.

Người Đức biểu tình chống cuộc chiến tại Syria với khẩu hiệu “Chấm dứt tấn công, bắt đầu đối thoại”.

Thái độ nước đôi

Theo CNN, phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 11-9 (giờ Việt Nam) với người dân Mỹ về cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Obama cam kết dành một cơ hội ngoại giao cho Damascus sau đề xuất của Nga. Theo ông, sáng kiến này có thể giúp giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria mà không cần phải dùng tới vũ lực. Tổng thống Obama cho biết sẽ duy trì kênh liên lạc thường xuyên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng như với lãnh đạo Pháp và Anh để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ trong lúc theo đuổi nỗ lực ngoại giao do Nga đề xuất, quân đội Mỹ vẫn luôn sẵn sàng cho một cuộc tấn công quân sự, nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama cho rằng cuộc khủng hoảng Syria là một nguy cơ đối với an ninh của nước Mỹ và nếu Mỹ không hành động, Syria sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hủy diệt đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh, nhất là các nước đồng minh láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Theo ông Obama, Mỹ phải có trách nhiệm hành động ngăn chặn để răn đe các nước khác như Iran về những hậu quả sẽ phải gánh chịu, nếu có những hành động như vụ thảm sát ngoài thủ đô Damascus hôm 21-8.

Syria muốn hợp tác

Sau một vòng đàm phán hiệu quả với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 10-9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem tuyên bố trước các phương tiện truyền thông: “Chúng tôi đồng ý với sáng kiến của Nga”. Ông Walid al-Moallem cũng cho biết Damascus sẵn sàng tham gia công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. Ông nói: “Tôi được trao quyền khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi với sáng kiến của Nga liên quan đến các loại vũ khí hóa học tại Syria. Chúng tôi sẵn sàng thông báo vị trí của các kho vũ khí hóa học và ngừng sản xuất các loại vũ khí hóa học”.

Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cho biết Nga bắt đầu các cuộc đàm phán với Syria để chuẩn bị một kế hoạch hành động chi tiết về vấn đề giao nộp các kho vũ khí hóa học của nước này. Các quan chức Nga và Syria đang chuẩn bị một đề nghị cụ thể để gửi tất cả các bên liên quan, trong đó có Mỹ. Sau đó, Nga sẽ hợp tác với Liên hiệp quốc (LHQ) và Tổ chức Cấm các loại vũ khí hóa học nhằm thực hiện thỏa thuận.

Dư luận trái chiều

Hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều với sáng kiến của Nga, phái hoài nghi có Pháp và Israel, phái ủng hộ có Trung Quốc, Iran, LHQ…

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius tuyên bố trước một cuộc họp báo rằng Pháp sẽ đưa ra một nghị quyết cứng rắn và chặt chẽ tại HĐBA LHQ nhằm đưa các kho vũ khí hóa học của Syria nằm dưới sự kiểm soát của quốc tế để phá hủy chúng. Các chính trị gia Israel tỏ ý hoài nghi trước đề nghị của Nga về giải trừ các kho vũ khí hóa học của Syria và lo ngại Chính phủ Syria có thể đang tìm kế hoãn binh nhằm đối phó với một cuộc tấn công quân sự của Mỹ.

Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh đề nghị mới của Nga và tuyên bố ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria. LHQ cũng ủng hộ đề nghị của Nga và coi đây như một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria, đồng thời yêu cầu Chính phủ Syria tham gia công ước chống các loại vũ khí hóa học của quốc tế.

Hiện nay, dư luận Mỹ đang trông đợi khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao nhiều hơn giành sự ủng hộ trong nước đối với một cuộc can thiệp quân sự vào Syria. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, sở dĩ ông Obama nhanh chóng hoan nghênh đề nghị của Nga vì nó sẽ mang lại cho ông ta một chiếc phao cứu sinh tại thời điểm Nhà Trắng đang vấp phải khó khăn để giành được sự ủng hộ cần thiết ở trong nước và quốc tế đối với các kế hoạch tấn công Syria.

Ngày 12-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Geneva (Thụy Sĩ) để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov nhằm thảo luận kỹ hơn về đề xuất của Nga.

VIỆT ANH (tổng hợp)

- Mỹ chần chừ, Nga tăng tốc giải quyết vấn đề Syria

Tin cùng chuyên mục