Hệ lụy từ người tị nạn Syria

2 triệu người Syria di cư sang quốc gia khác
Hệ lụy từ người tị nạn Syria

Hãng AP ngày 18-9 đưa tin, LHQ đã phát đi yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho những người tị nạn Syria đang sống dọc khu vực biên giới Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ… Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống, nước sinh hoạt và không thể quay trở về nhà vì cuộc xung đột tại Syria vẫn chưa chấm dứt.

Người Syria đổ về các trại tị nạn của Jordan.

Người Syria đổ về các trại tị nạn của Jordan.

2 triệu người Syria di cư sang quốc gia khác

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, đến nay chỉ mới nhận được 40% số tiền đóng góp trong tổng số 4,4 tỷ USD cần viện trợ cho người tị nạn Syria sống tại các nước láng giềng. Thống kê mới nhất của LHQ cho biết, cuộc chiến tại Syria kéo dài từ tháng 3-2001 đã giết hơn 100.000 người, trong đó có hơn 2 triệu người buộc phải di cư sang các quốc gia khác.

Trong khi các nỗ lực ngoại giao con thoi để tránh một cuộc tấn công từ bên ngoài vào Syria đang diễn ra thì người dân Syria ngày ngày vẫn đổ về các cửa khẩu để chạy trốn chiến tranh và nội chiến. Jordan là một trong những quốc gia láng giềng phải chịu nhiều hệ lụy không mong muốn khi số người tị nạn Syria chạy sang lánh nạn ngày một đông với khoảng 600.000 người, khiến dân số nước này tăng thêm 10%. Làn sóng tị nạn ngày một lớn trở thành gánh nặng lên nền kinh tế Jordan, làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, số người tị nạn Syria lên đến 500.000 người. Ankara không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường an ninh tại khu vực biên giới với Syria nhằm kiểm soát dòng người tiếp tục đổ dồn về nước này. Theo dự báo mới nhất của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), số người Syria phải rời bỏ quê hương có thể lên đến 3,5 triệu người vào cuối năm nay.

Đâu là giải pháp?

Trong cuộc họp với UNHCR, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của các nước Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq kêu gọi thế giới giúp đỡ trước tình trạng quá tải người tị nạn Syria. “Cần phải có một giải pháp chính trị khẩn cấp để ngưng mọi thảm họa này”.

Trở về sau chuyến thị sát đánh giá tình hình thực tế về cuộc sống của người tị nạn Syria, bà Valerie Amos, một quan chức của LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo cho rằng, để hỗ trợ những người dân Syria bị ảnh hưởng bởi xung đột bạo lực, bà Valerie Amos đã từng đệ trình một bản kiến nghị gồm 30 điểm lên HĐBA LHQ. Bản kiến nghị nhấn mạnh đến việc hỗ trợ xuyên biên giới, thiết lập những lệnh ngừng bắn tạm thời để các xe cứu trợ có thể đến được những vùng có người tị nạn và tạo điều kiện để các nhân viên cứu trợ thực hiện hoạt động của mình… Tuy nhiên, sau khi bản kiến nghị được công bố, dư luận cho rằng đó chỉ là những giải pháp tình thế. Việc tránh những thảm kịch đối với người tị nạn cũng như tác động của nó tới sự ổn định các quốc gia trong khu vực chỉ được giải quyết bằng cách thức duy nhất, đó là hòa bình thực sự tại Syria.

Ngày 18-9, các nhà ngoại giao Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc thảo luận về nghị quyết do các nước phương Tây soạn thảo với nội dung yêu cầu phá hủy kho vũ khí hóa học Syria. Theo thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học mà Nga - Mỹ thống nhất, nếu Syria không tuân thủ nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình, có thể cân nhắc sử dụng Chương 7 Hiến chương LHQ cho phép sử dụng các biện pháp cưỡng chế, bao gồm cả phương án vũ lực. Tuy nhiên, mỗi bên lại có cách hiểu khác nhau cho vấn đề này. Nga muốn Chương 7 chỉ là một trong những lựa chọn có thể trong tương lai, tức là vẫn phải ưu tiên các biện pháp ngoại giao - chính trị mạnh tay hơn dù Syria không tuân thủ đúng theo cam kết. Trong khi Anh, Pháp và Mỹ muốn hiện thực hóa Chương 7 ngay lập tức, một khi Syria có biểu hiện “chống đối”, bất hợp tác. Do đó, các cuộc thảo luận nhiều khả năng không thể sớm kết thúc và cũng không có gì chắc chắn một cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức để thông qua dự thảo nghị quyết này.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

- Syria cam kết tuân thủ thỏa thuận Nga - Mỹ

Tin cùng chuyên mục