Phiên tranh luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ: “Nóng” vấn đề Syria, Iran

Gây sức ép với Syria

Phát biểu tại buổi khai mạc phiên tranh luận toàn thể của khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng một chương trình nghị sự phát triển mới “phải mang tính toàn cầu với ưu tiên hàng đầu là chấm dứt đói nghèo”. Hai  vấn đề đầu tiên được quan tâm là vũ khí hóa học ở Syria và chương trình hạt nhân của Iran.

Gây sức ép với Syria

Tổng Thư ký Ban Ki-moon hối thúc các lãnh đạo thế giới nỗ lực ngăn chặn tình hình chiến sự tại Syria leo thang bằng việc chấm dứt cung cấp vũ khí cho các bên liên quan và hướng các bên tới bàn hòa đàm để chấm dứt “thách thức lớn nhất đối với hòa bình và an ninh trên thế giới”. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết “khả thi” liên quan đến thỏa thuận Mỹ - Nga nhằm đặt các vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh chiến thắng bằng quân sự là điều ảo tưởng và giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay tại Syria chỉ có thể là bằng con đường chính trị.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu của mình đã yêu cầu thế giới có hành động cụ thể đối với Syria, cho rằng chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải bị trừng phạt sau khi đã sử dụng vũ khí hóa học. Ông Obama cũng tiếp tục bảo lưu cảnh báo tấn công quân sự Syria và bác bỏ những chỉ trích nói rằng Washington hành động thiếu nhất quán. Tổng thống Obama kêu gọi LHQ thông qua một nghị quyết mạnh mẽ để bảo đảm nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad thực hiện cam kết xóa bỏ các loại vũ khí hóa học của nước này. Ông Obama nói: “Nếu chúng ta không thể nhất trí thỏa thuận này, điều đó sẽ chứng tỏ LHQ không có khả năng thực thi vấn đề cơ bản nhất của luật pháp quốc tế. Trái lại, nếu chúng ta thành công, điều đó sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng sử dụng vũ khí hóa học không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”.

Hòa hoãn với Iran

Tổng thống Iran Hassan Rowhani phát biểu lần đầu tiên với tư cách tổng thống trong phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ khóa họp lần thứ 68, khẳng định Iran không phải là một mối đe dọa đối với ổn định Trung Đông cũng như hòa bình thế giới. Chương trình hạt nhân mà Iran phát triển hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình và kêu gọi cộng đồng quốc tế chấp nhận hoạt động hạt nhân của nước này. Ông H.Rowhani nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần theo đuổi một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran và khẳng định Tehran chào đón những quan hệ mang tính xây dựng dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.

Sau bài phát biểu trên của nhà lãnh đạo Iran, lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhận định bài phát biểu của Tổng thống Iran là “đáng khích lệ”, hoan nghênh thái độ tích cực của Tehran song yêu cầu nước này sớm có những hành động thiết thực về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc tiếp xúc cùng ngày với Tổng thống H.Rowhani đã hối thúc Iran có những “hành động cụ thể” về chương trình hạt nhân của nước này bởi vấn đề này không chỉ liên quan tới Iran mà ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu. Tổng thống Mỹ B.Obama nhấn mạnh Mỹ kiên quyết không để Iran phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng cho biết 2 tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo Iran - một sắc lệnh của lãnh tụ tối cao Iran phản đối phát triển vũ khí hạt nhân và một tuyên bố của tân Tổng thống Hassan Rowhani khẳng định Iran sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân, là tiến bộ quan trọng.

VIỆT LÊ (tổng hợp)

- Mỹ tiếp tục gây sức ép với Syria

Tin cùng chuyên mục