Ukraine - Nga: Đóng cửa biên giới thay cho đối thoại

Ukraine - Nga: Đóng cửa biên giới thay cho đối thoại

Ngày 18-6, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua tuyên bố yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của 2 nhà báo Nga ở Ukraine. Cùng ngày, Nga cho biết sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực khủng hoảng ở miền Đông Ukraine mà không cần có sự đồng ý của Kiev, trong bối cảnh Ukraine cũng thông qua nghị quyết tăng cường kiểm soát biên giới phía Đông với Nga.

Nga ra nghị quyết mới, Ukraine đóng cửa biên giới

Trước đó, Nga đã phổ biến dự thảo nghị quyết mới về Ukraine trước khi trình lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trong đó tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía Đông Nam của nước láng giềng này.

Dự thảo nghị quyết mới về Ukraine lên án việc pháo kích vào khu vực dân cư và các công trình dân sự cũng như các đoàn xe cứu trợ nhân đạo, đặc biệt bày tỏ quan ngại trước thông tin từ miền Đông Ukraine về việc sử dụng bom cháy và các loại vũ khí bị cấm khác.

Văn bản này cũng yêu cầu chấm dứt bạo lực, thiết lập ngừng bắn để đối thoại, thiết lập tạm thời hành lang nhân đạo, lên án việc bắt giữ các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như các nhà báo.

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu Urengoi - Pomary - Uzhgorod, bị phá hoại ngày 17-6.

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu Urengoi - Pomary - Uzhgorod, bị phá hoại ngày 17-6.

Ngày 17-6, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua nghị quyết về vấn đề tăng cường kiểm soát biên giới phía Đông với Nga. Theo đó, trong thời gian 1 tháng, Cơ quan biên phòng Ukraine tăng số lượng nhân viên để có thể kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới phía Đông với Nga. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần xác định các tài liệu để đơn phương phân định biên giới với Nga. Quốc hội Ukraine cũng thảo luận việc cấp kinh phí để thực hiện phân định biên giới, tăng cường kiểm soát biên giới phía Đông, kể cả tại những khu vực không có chiến sự.

Phản ứng trước ý định của Kiev về việc đóng cửa biên giới với Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: Mátxcơva hy vọng tất cả những người có thể gây ảnh hưởng đến tình hình ở Ukraine sẽ không làm cho tình hình trầm trọng thêm và bắt đầu một cuộc đối thoại toàn quốc. Áp dụng thiết quân luật tại miền Đông Ukraine sẽ là một bước đi sai lầm và làm gia tăng bạo lực.

Lo ngại khả năng Kiev “hút trộm” dầu

Ngay sau khi bị Nga cắt nguồn cung dầu, Thủ tướng tạm quyền Arseny Yasenyuk thông báo Kiev đã nhận được một lượng khí đốt từ nguồn cung “ngược dòng” và trong tương lai, nguồn cung này có thể lên đến 15 tỷ m3, tạm đủ cho nhu cầu của đất nước.

Đối với châu Âu, quyết định trên của Nga trước mắt chỉ ảnh hưởng ít đến người tiêu dùng trong châu lục vì Ukraine vẫn còn 13 tỷ m3 khí đốt trong kho dự trữ đặt trên lãnh thổ nước này và nhu cầu năng lượng trong mùa hè thấp. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi nguồn dự trữ vơi bớt vào mùa đông, buộc châu Âu phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và đe dọa nền kinh tế vốn đã yếu kém của Ukraine.

Trong bối cảnh khoảng 15% khí đốt tiêu thụ ở châu Âu được Nga bơm qua hệ thống này, một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Kiev sẽ “hút trộm” nguồn khí chuyển sang châu Âu khi mùa đông đến như họ đã làm trong các năm 2006 và 2009, khiến châu Âu lại gặp rắc rối vì bị gián đoạn nguồn cung khí đốt trong mùa đông rét buốt.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Kinh tế, Gia đình và Thanh niên của Áo cho rằng EU cần giúp Ukraine thanh toán các khoản nợ khí đốt với Nga do Kiev không đủ sức tự mình thanh toán nợ. Quan chức này cũng kêu gọi đạt giải pháp chính trị cho cuộc tranh cãi khí đốt trong vòng 3 - 4 tháng tới, đề phòng Ukraine lại sử dụng nguồn khí đốt Nga xuất sang EU.

Phản ứng trước thông tin về nguồn cung “ngược dòng”, Tập đoàn Gazprom của Nga coi việc các nước châu Âu bán lại khí đốt cho Ukraine là hành động bất hợp pháp, đồng thời tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào đồng tình với việc làm này.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục