Iraq: Bạo lực, bế tắc chính trị còn kéo dài

Tính đến ngày 5-7, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) xem như đã kiểm soát hoàn toàn các mỏ dầu chính ở Syria. Tình hình tại Iraq cũng gần như không kiểm soát nổi khi các vụ khủng bố, bạo lực tiếp diễn không ngừng.
Iraq: Bạo lực, bế tắc chính trị còn kéo dài

Tính đến ngày 5-7, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) xem như đã kiểm soát hoàn toàn các mỏ dầu chính ở Syria. Tình hình tại Iraq cũng gần như không kiểm soát nổi khi các vụ khủng bố, bạo lực tiếp diễn không ngừng.

Mỏ dầu liên tục mất

Ngày 5-7, bạo lực tiếp diễn tại Iraq khi các tay súng Hồi giáo dòng Sunni thuộc ISIL đẩy mạnh tấn công và kiểm soát nhiều khu vực ở nước này. Tại tỉnh Salahudin ở miền Trung Iraq đã xảy ra 1 vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào lực lượng quân đội, làm ít nhất 12 binh sĩ thiệt mạng và 30 người bị thương. Trước đó, 1 kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ khối thuốc giấu trên xe nhằm vào cơ sở của lực lượng an ninh Iraq ở phía Nam thành phố Samarra thuộc tỉnh Salaheddin, phía Bắc thủ đô Baghdad, làm 15 người thiệt mạng và 25 người bị thương.

Hiện ISIL đã kiểm soát nhiều khu vực thuộc 5 tỉnh của Iraq. Hãng tin News24 dẫn nhận định của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), cho biết ISIL hiện đã hoàn toàn kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt ở Deir Ezzor, một tỉnh giáp giới với Iraq. Trước đó ngày 4-7, ISIL cũng đã chiếm mỏ dầu chính Al-Omar, song vẫn chưa giành được mỏ dầu nhỏ Al-Ward, nơi có sản lượng khoảng 200 thùng dầu/ngày, hiện đang nằm trong tay của một bộ lạc địa phương. Theo SOHR, ISIL đã giành được 2 mỏ dầu Tanak và Al-Omar sau khi các tay súng của Mặt trận Al-Nusra thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và các nhóm phiến quân Syria đối địch khác rút khỏi các khu vực này.

Nhóm y tá Ấn Độ được ISIL trả tự do, chờ về nước.

Nhóm y tá Ấn Độ được ISIL trả tự do, chờ về nước.

Người Kurd muốn trưng cầu dân ý

Trong khi các lực lượng Iraq đang đấu tranh để phá vỡ bế tắc quân sự trước các thế tấn công của ISIL, các quan chức Mỹ và lãnh đạo chủ chốt của Iraq họp bàn thúc đẩy chấm dứt khủng hoảng ở Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 4-7 thông báo, quân đội Mỹ cùng lực lượng Iraq đã mở một trung tâm điều hành chung thứ hai ở Irbil, miền Bắc Iraq.

Trước bối cảnh rối ren này, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Iraq Nuri al-Maliki ngày 4-7 vẫn tuyên bố ông sẽ không từ bỏ việc ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iraqiya, Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng khẳng định không đảng phái nào có quyền đặt điều kiện về việc này. Giới phân tích nhận định động thái trên của Thủ tướng Nuri al-Maliki có thể kéo dài thêm tình trạng bế tắc chính trị và xung đột giữa các phe phái tại Iraq, trong bối cảnh phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới hôm 1-7 đã kết thúc trong sự hỗn loạn, khi các phe phái bất đồng và nhiều nghị sĩ rời cuộc họp.

Khó khăn bủa vây Thủ tướng Nuri al-Maliki khi lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của khu vực này. Lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq Massud Barzani đã kêu gọi các tay súng Hồi giáo dòng Sunni thuộc ISIL tiếp tục cuộc chiến sau khi lực lượng này chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc và miền Tây Iraq, đồng thời tuyên bố thiết lập một Nhà nước Hồi giáo tại những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của họ ở cả Iraq và Syria.

Những diễn biến mới nhất cho thấy nhận định gây “sốc” của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đưa ra trong buổi họp báo ngày 4-7 là có thể xảy ra. Ông cho rằng các lực lượng Iraq đã tăng cường phòng thủ xung quanh thủ đô Baghdad và chỉ có khả năng bảo vệ Baghdad. Nhưng họ sẽ phải cần sự trợ giúp ở bên ngoài để giành lại những vùng lãnh thổ bị rơi vào tay phiến quân Sunni. Hiện các nước đã triển khai hàng chục ngàn quân dọc biên giới với Iraq.

Ngày 5-7, một máy bay đặc biệt của hãng hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India) đã tới Erbil để đưa 46 y tá Ấn Độ được các tay súng ISIL trả tự do về nước.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục