Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở Ukraine: Cần điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch

Ngày 20-7, các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết thương tâm của 298 người thuộc nhiều quốc tịch trên máy bay. Chuyến bay MH17 đang bay qua không phận không bị cấm và theo đường bay được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn”. Tuyên bố cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch thảm họa trên, nhấn mạnh rằng không ai được cản trở công tác điều tra.
Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở Ukraine: Cần điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch

Ngày 20-7, các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết thương tâm của 298 người thuộc nhiều quốc tịch trên máy bay. Chuyến bay MH17 đang bay qua không phận không bị cấm và theo đường bay được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn”. Tuyên bố cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch thảm họa trên, nhấn mạnh rằng không ai được cản trở công tác điều tra.

Lộ trình bay của MH17 ngày 17-7 lệch hẳn so với 10 chuyến trước đó.

Lộ trình bay của MH17 ngày 17-7 lệch hẳn so với 10 chuyến trước đó.

Phải đảm bảo tính khách quan

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-7 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Hai bên nhấn mạnh cần mở một cuộc điều tra mang tính quốc tế và do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chủ trì, với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan về vụ chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia (MAS) bị rơi tại miền Đông Ukraine.

Hai bên cũng nhấn mạnh cần phải đảm bảo hoạt động của các quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và các chuyên gia quốc tế cần phải được tiếp cận nơi xảy ra tai nạn.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã nhất trí cần phải đảm bảo một cuộc điều ra quốc tế công khai, độc lập và khách quan với vai trò chủ đạo của ICAO. Tất cả vật chứng bao gồm cả hộp đen cần phải được cung cấp để điều tra trong khuôn khổ cuộc điều tra quốc tế, trong khi các chuyên gia quốc tế phải được tiếp cận hiện trường.

Theo ABC News, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop chuẩn bị sang Mỹ để vận động cuộc điều tra quốc tế toàn diện đối với vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng Hàng không Malaysia, làm 28 người Australia thiệt mạng.

Tin cho biết, bà Bishop sẽ nỗ lực thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết nhằm hỗ trợ một cuộc điều tra toàn diện và độc lập các hiện trường vụ bắn rơi máy bay MH17 ở Ukraine. Ngoại trưởng Bishop cho biết, lời kêu gọi của Chính phủ Australia sẽ được trình lên LHQ.

“Tôi đã trao đổi với đại diện Australia tại LHQ và yêu cầu của chúng tôi về việc thành lập một nghị quyết bắt buộc sẽ được thảo luận vào tuần tới”, hãng ABC News dẫn lời bà Bishop cho biết.

Đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường

Theo AP ngày 20-7, Phó Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groisman cho biết chính phủ Ukraine và quân ly khai đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ tai nạn máy bay của Malaysia. Trước đó, những thông tin về việc các thi thể đang phân hủy dưới ánh nắng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước, đặc biệt là từ Hà Lan - nước có số công dân chiếm hơn một nửa tổng số nạn nhân trong vụ tai nạn.

Theo ông Groisman, thỏa thuận “sơ bộ” này sẽ cho phép các cơ quan khẩn cấp của Ukraine và các quan sát viên quốc tế đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường và quy tập tại một địa điểm an toàn. Tuy nhiên, ông không tiết lộ gì về địa điểm này.

Nhân viên cứu hộ di chuyển thi thể nạn nhân máy bay MH17. Ảnh: AP

Nhân viên cứu hộ di chuyển thi thể nạn nhân máy bay MH17. Ảnh: AP

Trong khi đó, hãng AFP dẫn lời Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Andrei Purgin ngày 20-7 cho biết các tay súng ly khai sẽ đảm bảo an toàn cho nhân viên quốc tế giám sát hiện trường vụ tai nạn máy bay của Malaysia nếu Kiev đồng ý một lệnh ngừng bắn. Ông Purgin cho biết chính quyền Kiev vẫn duy trì cường độ chiến dịch quân sự và không muốn ký thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để đưa các chuyên gia quốc tế tới nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố các quan sát viên OSCE một lần nữa bị lực lượng nổi dậy tại miền Đông cản trở tại khu vực hiện trường tai nạn máy bay. Ông Poroshenko còn hối thúc Liên hiệp quốc (LHQ) liệt lực lượng ly khai đang chiến đấu chống chính quyền Ukraine tại các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền Đông vào danh sách “các tổ chức khủng bố”.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông Poroshenko nêu rõ: “LHQ phải lên án những hành động của khủng bố và công nhận cái gọi là DNR (CHND Donetsk) và LNR (CHND Luhansk) là những tổ chức khủng bố”.

Quan sát viên quốc tế và giới chức Ukraine ngày 20-7 cho biết, các tay súng ly khai đã đưa 198 thi thể ra khỏi khu vực máy bay MH17 rơi và đưa lên tàu hỏa, tuy nhiên chưa rõ địa điểm cuối cùng.

Theo Iryna Gudyma, người phát ngôn của OSCE, các thi thể được đưa lên tàu ở khu vực Torez, cách vị trí máy bay rơi khoảng 15km. Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, con tàu có 5 toa đông lạnh mang theo thi thể nạn nhân xuất phát từ một nhà ga gần địa điểm máy bay rơi, hướng về phía Donetsk.

Theo Interfax, lực lượng nổi dậy ở Ukraine cho biết các hộp đen của chiếc máy bay MH17 của Hãng Hàng không Malaysia gặp nạn đã được tìm thấy và được đưa tới Donetsk, miền Đông Ukraine.

Cơ trưởng MH17 chuyển hướng bay?

Trang mạng Mail Online ngày 20-7 dẫn lời tiến sĩ Igor Sutyagin, nghiên cứu viên về các vấn đề nước Nga từ một viện nghiên cứu ở London, Anh đưa ra giả thiết, cơ trưởng máy bay MH17 đã chuyển hướng bay vào phút chót.

Ông Sutyagin nói với tờ Mail Online rằng, một nguồn tin xin đề nghị giấu tên đã rò rỉ thông tin này. Theo đó, cơ trưởng máy bay MH17 đã nói qua bộ đàm với kiểm soát viên không lưu rằng cảm thấy khá lo lắng lộ trình máy bay qua không phận Ukraine nên đã quyết định chuyển hướng.

Giả thiết của ông Sutyagin được củng cố bởi một bản đồ lộ trình do một người sử dụng Twitter Vagelis Karmiros thực hiện, hướng bay của máy bay MH17 bị bắn hạ ngày 17-7 chệch hẳn so với 10 chuyến bay trước đó cũng của MH17.

* Hãy đứng lên cùng nhau, Malaysia

Là lời kêu gọi của nhà báo kỳ cựu Wong Chun Wai trong bài viết đăng trên báo The Star số ra ngày 20-7. Bài viết có đoạn: “Thảm kịch MH17 đã nhắc nhở chúng ta - công dân của một quốc gia phải cùng chia sẻ không chỉ hạnh phúc mà còn cả những đau thương và mất mát. Thủ tướng Najib dường như không thể nghỉ ngơi sau khi nhận tin MH17 bị bắn hạ tại Ukraine. Là một nhà lãnh đạo, ông đang chịu rất nhiều áp lực sau hai thảm kịch liên tiếp xảy ra tại Malaysia.

Không có một hãng hàng không nào lại hứng chịu hai thảm họa liên tiếp chỉ trong vòng 4 tháng với hàng trăm người đã thiệt mạng như Malaysia Airlines. Chúng ta gọi đó là vận rủi. Và chúng ta tự hỏi tại sao vận rủi cứ phải xảy ra với Malaysia. Cuộc sống rất mong manh và hãy sống sao cho thật xứng đáng. Hãy đứng lên cùng nhau, Malaysia”.

Hãng Hàng không Malaysia (MAS) ngày 20-7 thông báo sẽ không sử dụng số hiệu MH17 như một cử chỉ “đánh dấu sự tôn trọng” đối với 298 người thiệt mạng trên chuyến bay mang số hiệu này tại miền Đông Ukraine. Theo AFP, số hiệu của lộ trình bay thường nhật Amsterdam - Kuala Lumpur sẽ được thay bằng MH19 từ ngày 25-7.

PHƯƠNG NAM

* Nga, Mỹ thỏa thuận các biện pháp khẩn cấp giải quyết khủng hoảng Ukraine

Ngày 19-7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry vừa có cuộc điện đàm, trong đó hai bên khẳng định cần thông qua các biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuyên bố nhấn mạnh, hai bên khẳng định để có một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Ukraine, tất cả các bên cần quay trở lại thực hiện thỏa thuận Geneva ngày 17-4, trong đó yêu cầu ngừng ngay các hành vi bạo lực và ngay lập tức bắt đầu tiến trình cải cách Hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực ở Ukraine.

Hai bên cũng thỏa thuận sử dụng ảnh hưởng của Nga và Mỹ đối với các bên đối đầu tại Ukraine để đưa các lực lượng này đi theo hướng nói trên. Hai bên cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự mà chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đồng thuận toàn dân tộc.

VIỆT LÊ

* Họ đã ra đi cùng nhau…

Câu chuyện về những gia đình không còn ai sống sót đã làm nỗi đau trong thảm kịch MH17 thêm chồng chất. Nước Anh có 10 nạn nhân thiệt mạng và trong số đó có toàn bộ 2 gia đình. Luật sư John Allen, 43 tuổi, cùng vợ là cô giáo Sandra và 3 con Chris (16 tuổi), Julian (14 tuổi), Ian (8 tuổi). Nhân viên ngân hàng Andrew Hoare cùng vợ là Estella và 2 con Japer (15 tuổi), Friso (12 tuổi) đều chết trong tai nạn máy bay.

Cả 2 gia đình đều đến Malaysia trong kỳ nghỉ hè. “Andrew là mẫu đàn ông luôn hết lòng vì gia đình”, em trai Hugo của ông đau buồn chia sẻ.

Hay như 5 người trong cùng gia đình gồm Shaliza Dewa (quốc tịch Malaysia) cùng chồng, Johannes van den Hende (quốc tịch Hà Lan) và 3 con gồm Piers (15 tuổi), Marnix (12 tuổi), Margaux (8 tuổi) đã thiệt mạng trong thảm họa máy bay. Khi thảm kịch xảy ra, mẹ của Shaliza đang chờ tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur mà không biết rằng bà vĩnh viễn không được gặp lại gia đình con gái của mình nữa.

Một gia đình Malaysia khác cũng mất mạng trong thảm họa này là ông Tambi Jiee (49 tuổi) cùng vợ Ariza Ghazalee (47 tuổi) và 4 người con đi từ Kazakhstan, nơi ông làm việc, về Malaysia. Chuyến đi trở về quê hương đã trở thành thảm kịch của cả gia đình.

THANH HẰNG

* Tìm thấy 198 thi thể nạn nhân

Tính đến tối 20-7 (giờ Việt Nam), các nhân viên cứu hộ Ukraine đã tìm được 198 thi thể nạn nhân vụ máy bay MH17 rơi ở tỉnh Donetsk, miền Đông nước này. Theo bộ phận báo chí Cơ quan Tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine (GosChS), hoạt động tìm kiếm đã được thực hiện trong khu vực rộng 34km2. Có 380 người tham gia hoạt động tìm kiếm cứu hộ, trong đó có 100 người của GosChS gồm cả thợ lặn cùng 20 phương tiện kỹ thuật.

Các nhà điều tra Malaysia cũng đã tới Ukraine sáng 20-7. Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức của Malaysia là Bernama đưa tin họ vẫn đang đàm phán với phe ly khai để phái đoàn gồm 131 thành viên của nước này được tiếp cận hiện trường.

* Ukraine công bố băng ghi âm ngụy tạo vụ bắn hạ máy bay MH17?

Ngày 20-7, Hãng tin Itar-Tass dẫn tuyên bố của đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu khẳng định đoạn ghi âm mà tình báo Ukraine tung lên mạng với cáo buộc chiến binh phe ly khai thông báo về việc bắn tên lửa vào máy bay MH17 của Malaysia là sản phẩm ngụy tạo.

Theo Itar-Tass, các chuyên gia của Công ty Công nghệ mục tiêu Aimtech đã nghiên cứu kỹ đoạn ghi âm kể trên và đi đến kết luận rằng, nó là sản phẩm được cắt ghép từ nhiều cuộc hội thoại không liên quan đến nhau.

Ông Nikolai Popov, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong lĩnh vực phân tích lời nói và âm thanh, làm việc tại Công ty Công nghệ mục tiêu Aimtech, cho biết các phân tích ngôn ngữ chỉ ra rằng ý nghĩa các lời đối đáp có đôi chỗ không trùng khớp với nhau, có khác biệt cả về bối cảnh tư liệu ghi âm. Phân tích quang phổ và vạch dấu thời gian cũng cho thấy, đoạn hội thoại đã bị cắt xén và lắp ghép với đặc trưng là những quãng ngắt giọng ngắn.

Điều đáng chú ý nhất là khi xem xét kỹ các đặc tính của đoạn ghi âm người ta thấy rõ rằng file âm thanh này được tạo ra 1 ngày trước khi thảm họa xảy ra.

Công ty Công nghệ mục tiêu Aimtech có trụ sở chính tại Mátxcơva cùng các văn phòng đại diện tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

VIỆT ANH (tổng hợp)

- 3 nạn nhân người Việt thiệt mạng trên máy bay MH17: Nỗi đau xé lòng

- ASEAN yêu cầu điều tra minh bạch vụ bắn hạ máy bay MH17

Tin cùng chuyên mục