Kêu gọi các bên hợp tác điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn hạ

Kêu gọi các bên hợp tác điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn hạ

Ngày 21-7, tờ Washington Post cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở rộng các cáo buộc nhắm vào lực lượng ly khai tại Ukraine và lực lượng của Nga hợp tác trong việc bắn hạ máy bay MH17.

Cáo buộc gây sức ép

Báo dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng “số lượng bằng chứng khổng lồ” cho thấy Nga đã cung cấp hệ thống tên lửa chống máy bay SA-11 cho lực lượng ly khai ở Ukraine và huấn luyện họ cách sử dụng loại vũ khí này. Ông Kerry cũng cho rằng tình báo Mỹ “chứng kiến” tên lửa phóng đi từ phần lãnh thổ do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát ở phía Đông Ukraine và đã ghi nhận đường đi của tên lửa này cùng lúc với khoảnh khắc chiếc máy bay MH17 vừa biến mất khỏi radar. Theo Reuters, ông Kerry nói Mỹ đã chứng kiến nhiều đoàn xe di chuyển từ Nga vào Ukraine trong tháng 6, trong đó có đoàn 150 chiếc xe bọc thép, xe tăng và tên lửa cung cấp cho lực lượng ly khai Ukaine.

Trong khi đó, cũng theo Washington Post, tại Kiev, Đại sứ quán Mỹ cho biết tình báo Mỹ đã xác định tính xác thực của đoạn ghi âm cuộc đàm thoại của các thủ lĩnh quân ly khai Ukraine sau khi máy bay MH17 bị bắn hạ, theo đó họ nhầm với máy bay vận tải của Chính phủ Ukraine.

Cũng nhằm gây sức ép với Nga, theo Reuters, trong cuộc họp hôm nay, 22-7, Hội đồng đối ngoại EU sẽ công bố các biện pháp cấm vận mới với Nga.

Cầu siêu cho các nạn nhân máy bay MH17 tại Malaysia.

Cầu siêu cho các nạn nhân máy bay MH17 tại Malaysia.

Nga, HĐBA LHQ soạn thảo nghị quyết riêng

 

Theo báo Star (Malaysia), ít nhất có 20 gia đình đã ra đi vĩnh viễn trong vụ máy bay MH17. Trong số này có 2 gia đình 6 người Hà Lan và người Malaysia. Một số gia đình 5 người, 4 người và 3 người (trong đó có gia đình chị Nguyễn Ngọc Minh).

 

Trong phản ứng mới nhất từ phía Nga ngày 21-7, Tổng thống Putin cho rằng các chuyên gia quốc tế nên được tiếp cận an toàn tới hiện trường xác máy bay MH17 nhưng ông cũng cảnh báo: “Không ai có thể sử dụng thảm kịch này vào mục đích chính trị riêng của mình”. Theo truyền hình Nga Russia Today, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hiện có nhiều đại diện của khu vực Donestk và Lugansk làm việc tại hiện trường máy bay rơi cũng như đại diện của Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine nhưng như vậy là chưa đủ. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng ta cần có nhóm đại diện đầy đủ của các chuyên gia làm việc theo sự hướng dẫn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Ủy ban quốc tế có liên quan. Chúng ta phải đảm bảo an ninh với các chuyên gia quốc tế tới hiện trường. Nga cũng đã soạn thảo nghị quyết riêng của mình để trình HĐBA LHQ về việc yêu cầu mở cuộc điều tra nguyên nhân gây ra thảm kịch MH17, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của ICAO.

Dự kiến vào lúc 15 giờ (giờ New York) ngày 21-7 (tức 2 giờ sáng ngày 22-7 giờ Việt Nam), HĐBA LHQ nhóm họp xem xét dự thảo nghị quyết yêu cầu lực lượng ly khai tại Ukraine cho phép các nhà điều tra vào vị trí máy bay bị tai nạn một cách tự do, không hạn chế. Theo AFP, dự thảo nghị quyết được Australia và một số nước trong đó có Pháp soạn thảo kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác đầy đủ điều tra vụ MH17. Dự thảo nghị quyết còn yêu cầu dừng tất cả các hoạt động quân sự ngay lập tức khu vực xung quanh xác máy bay để phục vụ công tác điều tra. Dự thảo nghị quyết lên án với từ ngữ mạnh mẽ nhất hành động làm rơi máy bay này đồng thời yêu cầu tất cả các nước tôn trọng nguyên tắc an toàn hàng không quốc tế để ngăn chặn những hành động đáng tiếc tái diễn và yêu cầu tất cả các quốc gia kiềm chế các hành động đe dọa trực tiếp đến máy bay dân sự.

Ngày 21-7, các chuyên gia pháp y quốc tế tới địa điểm có xác máy bay MH17 và bắt đầu công việc khám nghiệm tử thi. AFP dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, nhóm bao gồm các chuyên gia Hà Lan và chuyên gia thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Theo AFP, đã phát hiện được 251 thi thể và quân ly khai đưa vào giữ trong các toa tàu đông lạnh gần đó để chờ chuyên gia pháp y tới điều tra. Trong khi đó, lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine cho biết họ sẵn sàng giao các hộp đen và những thi thể trên chuyến bay MH17 cho các nhà điều tra quốc tế khi họ tới hiện trường. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết Tổng thống Putin cam kết sẽ giúp tìm các thi thể và hộp đen.

THỤY VŨ (tổng hợp)


Có mục tiêu chính trị khi đổ lỗi cho Nga

Hãng Russia Today dẫn lời ông Lode Vanoost, cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Bỉ, cho rằng việc phương Tây đổ lỗi cho Nga về thảm kịch MH17 có ẩn chứa động cơ chính trị. Ông Vanoost nhận định việc thu thập bằng chứng sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, đồng thời cảnh báo mọi kết luận vào thời điểm hiện tại là quá sớm và có thể dẫn tới leo thang trong khu vực. “Đây là một tình huống dễ dẫn đến xung đột. Tất cả các cuộc chiến thường được bắt đầu bằng sự đổ lỗi trước khi có bất kỳ bằng chứng nào dẫn tới kết luận được công bố”, ông Vanoost nói.

Cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Bỉ tin rằng MH17 đã bị bắn hạ. Nga, Mỹ, Ukraine đều có thể bị đổ lỗi vì đã từng có tiền lệ khi Liên Xô bắn rơi máy bay của Hãng hàng không Hàn Quốc năm 1983, Mỹ bắn rơi máy bay Iran năm 1988, Ukraine bắn rơi máy bay Nga năm 2001. Điều ông Vanoost lo ngại nhất là thủ phạm thực sự có thể sẽ không bao giờ bị trừng phạt.

CAO VĂN

Truyền thông Nga phản ứng

Truyền thông Nga trong ngày 21-7 cho rằng sự thật về những gì đã xảy ra với máy bay MH17 có thể sẽ không bao giờ được phát hiện, đồng thời cáo buộc phương Tây đã đổ lỗi cho Nga trong vụ này. Tờ báo Komsomolskaya Pravda nhắc đến việc báo chí phương Tây đổ cho Nga về sự mất mát này. Tờ báo nhắc lại vụ Mỹ đã vu cáo Saddam Hussein của Iraq việc có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian chuẩn bị cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003. “Không rõ liệu có tồn tại sự thật từ những lời dối trá trong thế giới thông tin hiện nay hay không”, tờ Moskovsky Komsomolets bình luận. Tờ báo Rossiiskaya Gazeta chỉ đích danh chính quyền Kiev và cáo buộc họ từ chối hợp tác với Nga.

Các báo Nga đều cho rằng vụ MH17 sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. “Thảm họa không chỉ trên bầu trời mà còn trong quan hệ giữa Nga và phương Tây”, báo Nezavisimaya Gazeta viết. “Các mảnh vỡ từ Boeing đang rơi vào nước Nga”, nhật báo Kommersant có cái nhìn tương tự và lưu ý rằng kết quả của cuộc điều tra vụ tai nạn sẽ quyết định tương lai của mối quan hệ giữa Nga với phương Tây.

KHÁNH MINH

Nga: Một máy bay chiến đấu Ukraine bay gần MH17

Theo AFP, ngày 21-7, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng trước khi MH17 bị nạn, có một chiếc máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraine bay cạnh và Mátxcơva đòi Kiev giải thích. Ngoài ra, theo quan chức Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov, Nga không cung cấp hệ thống tên lửa Buk hay bất cứ loại vũ khí nào khác cho quân ly khai ở miền Đông Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo đặc biệt, ông Kartapolov nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga không cung cấp cho các phiến quân hệ thống tên lửa Buk hay bất cứ loại vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạng nặng nào”. Phía Nga cũng cho biết không phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa nào gần đường bay của MH17 và yêu cầu Mỹ “chia sẻ hình ảnh vệ tinh nếu họ có”.

Trong khi đó, nguồn tin an ninh Ukraine cùng ngày khẳng định Kiev bảo lưu thông tin cho rằng quân ly khai ở miền Đông nước này đã nhận tên lửa BUK-M1 thuộc hệ thống tên lửa dẫn đường bằng radar SA-11 từ Nga, nhiều khả năng còn kèm theo cả một nhóm chuyên gia. Nguồn tin xác nhận những tay súng này không được đào tạo chuyên biệt để điều khiển thiết bị quân sự tinh vi này, vì vậy khả năng có nhóm chuyên gia BUK đến từ Nga.

KHÁNH MINH

*****
Bài học về tình yêu thương

Buổi lên lớp hôm đó của thầy giáo trẻ người Singapore Mathew Zachary Liu không diễn ra như thường lệ. Thay vì bắt đầu bài giảng cho 40 học sinh tiểu học bên dưới, thầy Liu chỉ viết chữ MH17 trên bảng. Thầy kể đám học trò mới 9 tuổi trong lớp nghe về thảm kịch máy bay đã tước đi mạng sống của gần 300 con người. Rồi thầy hỏi cảm nghĩ của các con? Một học sinh đứng lên nói rằng mình cảm thấy buồn vì có những người đã mất đi người thân của mình.

Tấm thiệp học sinh gửi thầy Liu.

Tấm thiệp học sinh gửi thầy Liu.

Thầy Liu lại hỏi có bao nhiêu bạn quan tâm nếu đó là một chiếc máy bay Singapore? Tất cả học sinh giơ tay. Thầy nói các con hãy tưởng tượng trên chiếc máy bay đó có một người bạn cùng lớp. Nếu như điều cuối cùng các con làm hoặc nói với bạn đó là lời trêu chọc hoặc bắt nạt, các con cảm thấy sao? Hãy vỗ vai bạn bên cạnh và nói rằng mình yêu bạn. Cả lớp cùng làm theo. Một em còn chạy sang lớp khác để ôm bạn của mình.

Tiết học kết thúc trong tiếng cười vui vẻ. Sau buổi học, một em học sinh đã làm tấm thiệp nhỏ gửi người thầy giáo trẻ. Trò cảm ơn thầy vì tiết học lý thú và hứa sẽ luôn đối xử tốt với bạn. Chia sẻ trên Facebook cá nhân, thầy Liu hạnh phúc vì các em đã nhận ra cần phải học cách yêu thương người khác trước khi quá muộn.

Câu chuyện của thầy giáo trẻ đã vượt qua biên giới đến tận Hà Lan. Một phụ nữ Hà Lan đã gửi tin nhắn cho thầy Liu vì buổi học ý nghĩa này. Cô cảm thấy được an ủi rất nhiều trước nỗi đau mất đi người bạn thân trong thảm kịch. Chuyện thầy trò của thầy giáo Liu đã trở thành một câu chuyện xúc động lan truyền trên cộng đồng mạng, với hơn 11.600 lượt chia sẻ trên Facebook.

THANH HẰNG

>> HĐBA LHQ họp về vụ máy bay MH17

>> Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở Ukraine: Cần điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch

>> 3 nạn nhân người Việt thiệt mạng trên máy bay MH17: Nỗi đau xé lòng

>> ASEAN yêu cầu điều tra minh bạch vụ bắn hạ máy bay MH17

Tin cùng chuyên mục