Kêu gọi chung tay phòng chống dịch Ebola

Thiếu hụt thiết bị và nhân lực
Kêu gọi chung tay phòng chống dịch Ebola

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 12-8 lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp đồng bộ đối phó với dịch bệnh Ebola, đồng thời bổ nhiệm bác sĩ người Anh David Nabarro, người từng giúp LHQ vượt qua cuộc khủng hoảng cúm gia cầm và dịch SARS vào năm 2006 và năm 2013, làm Điều phối viên phụ trách dịch bệnh Ebola của tổ chức này. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 9-8, đã có 1.848 người nhiễm virus Ebola, 1.043 người tử vong vì dịch bệnh Ebola.

Kêu gọi chung tay phòng chống dịch Ebola ảnh 1

Diễn tập phòng chống dịch Ebola tại một bệnh viện ở Đức.

Thiếu hụt thiết bị và nhân lực

Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma ngày 12-8 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khoảng 18 triệu USD để chống lại dịch bệnh Ebola hiện đang hoành hành ở nước này với 730 trường hợp nhiễm bệnh, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Phát biểu trong một buổi họp báo tại thủ đô Freetown, Tổng thống Koroma cho biết tổng chi phí cho kế hoạch ứng phó quốc gia gồm cung cấp các nhân viên ngoài y tế như nhóm chôn cất, các nhà giáo dục, các điều tra viên tìm kiếm những người có tiếp xúc với bệnh nhân là 25,9 triệu USD. Cho đến giờ, quỹ này mới chỉ nhận được 7,6 triệu USD.

Ông Koroma cũng kêu gọi TTK LHQ Ban Ki-moon can thiệp vào cuộc khủng hoảng quỹ hỗ trợ do nước này đã không nhận được đầy đủ thiết bị, nhân viên y tế và đặc biệt mới mất đi chuyên gia duy nhất về căn bệnh Ebola vào tháng 7 vừa qua. Người phát ngôn Bộ Y tế Sierra Leone cho biết WHO đã chấp thuận yêu cầu xin thuốc thử nghiệm điều trị Ebola ZMapp tới Sierra Leone và Liberia. Tuy nhiên chưa rõ liệu số thuốc này có đến được Sierra Leone hay không bởi trước đó nhà sản xuất tuyên bố đã gửi toàn bộ số thuốc trên đến khu vực Tây Phi.

Hiện 9 chuyên gia kiểm soát dịch của Trung Quốc đã lên đường tới Tây Phi để giúp chống dịch Ebola. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố về việc cử ba đội chuyên gia và các vật tư y tế tới Guinea, Liberia và Sierra Leone nhằm hỗ trợ ngăn ngừa và kiểm soát virus Ebola. Mỗi đội y tế gồm 1 nhà dịch tễ học và 2 chuyên gia về khử trùng. Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cho biết chính phủ Canada sẽ quyên góp 800 - 1.000 liều vaccine cho WHO.

Ebola bùng phát do biến đổi khí hậu

Trong nghiên cứu mới nhất về quy chế lây nhiễm của virus Ebola, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng virus Ebola có tính ổn định, không dễ biến tính, có thể tiêu diệt ở nhiệt độ cao, đồng thời cảnh báo dịch Ebola bùng phát có liên quan đến yếu tố thời tiết.

Nhà nghiên cứu Lưu Khởi Dũng thuộc Trung tâm phòng chống bệnh truyền nhiễm quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, trong vòng 45 năm trở lại đây, mỗi năm đều phát hiện được ít nhất 1 loại virus mới, thực tế có thể nhiều hơn, vì còn nhiều loại chưa được phát hiện hoặc chưa xét nghiệm rõ ràng và chúng đều chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Môi trường và sức khỏe con người thuộc đại học Lan Châu Trung Quốc, ông Vương Thức Công, cho rằng, từ năm 1970 đến nay, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nhanh khiến sinh ra nhiều loại virus mới. Đối với virus Ebola, kể từ lần đầu xuất hiện, bùng phát vào năm 1976 cho đến những lần sau đó đều xảy ra tại châu Phi, đều xuất hiện trong điều kiện thời tiết nắng nóng khô hạn tột độ. Đợt bùng phát Ebola mới nhất này được phát hiện vào đầu mùa khô ở Guinea, còn tại các nước khác virus cũng thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, giữa mùa mưa và mùa khô.

Tân Hoa xã ngày 13-8 cho biết, Bộ Y tế Samoa vừa thông báo gần 100 người dân nước này đang bị ảnh hưởng bởi một virus lạ, 2 người đã tử vong. Đây là lần đầu tiên loại virus này xuất hiện tại Samoa, quốc gia nhỏ nằm ở phía Tây quần đảo Samoa, thuộc Nam Thái Bình Dương. Các bệnh nhân có biểu hiện mắc hai bệnh khác nhau. Ban đầu, giới chức Samoa nhận định đây là bệnh sốt phát ban cấp tính, nhưng sau đó họ nhận được kết quả một số mẫu xét nghiệm gửi đi cho thấy dương tính với virus chikungunya.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục