Nghị quyết trừng phạt phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria

Nghị quyết trừng phạt phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria

Ngày 16-8 (giờ VN), Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết trừng phạt các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria, đồng thời trừng phạt những ai liên quan đến việc tuyển mộ chiến binh. Đáp lại, các chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xả súng giết khoảng 80 thành viên của nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi tại một ngôi làng ở miền Bắc Iraq và bắt đi khoảng 100 phụ nữ.

Chặn nguồn cung, trừng phạt việc tuyển mộ

Nghị quyết liệt các thủ lĩnh IS tại Iraq vào danh sách trừng phạt và đóng băng các tài sản liên quan nhóm này; yêu cầu các tay súng thuộc IS tại Iraq và Syria, các phần tử khủng bố thuộc mặt trận An-Nusrah ở Syria và các nhóm khủng bố khác có quan hệ với Al-Qaeda hạ vũ khí và giải tán ngay lập tức. Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ triển khai những biện pháp mang tính quốc gia để ngăn chặn nguồn cung các tay súng nước ngoài cho các nhóm cực đoan và đe dọa trừng phạt với những ai liên quan đến việc tuyển mộ chiến binh. Theo nghị quyết, HĐBA LHQ “cực lực lên án các hành động mang tính chất khủng bố của phiến quân IS, tư tưởng bạo lực cực đoan cũng như sự xâm phạm quyền con người và luật pháp quốc tế một cách có hệ thống và trên quy mô lớn của tổ chức này”.

Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Pyotr Ilyichev cho biết nghị quyết của HĐBA không thể được xem là quyết định cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào Iraq và Syria. Ông Ilyichev lưu ý mặc dù nghị quyết đó được thông qua căn cứ theo Điều VII, song nó không thể được xem là sự phê chuẩn cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào Syria và Iraq. Nga ủng hộ văn kiện trên xuất phát từ lập trường nhất quán ủng hộ việc phát động một cuộc chiến không nhượng bộ chống lại chủ nghĩa khủng bố, cũng như các nỗ lực chung vì mục tiêu đó, khẳng định sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho các chính phủ Iraq và Syria trong nỗ lực chống lại cái ác.

Nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi chạy nạn trước các cuộc tấn công của IS.

EU chia rẽ chuyện vũ khí cho người Kurd

Trong khi đó, tại một cuộc họp bất thường ở Brussels (Bỉ), đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền người Kurd tại Iraq về hỗ trợ vũ khí, Liên minh châu Âu (EU) ngày 16-8 cũng đã bật đèn xanh cho các quốc gia thành viên cung cấp vũ khí cho các tay súng người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS. Tuyên bố của EU nêu rõ các hoạt động cung cấp vũ khí phải phù hợp với khả năng và luật pháp của từng nước thành viên, cũng như được sự đồng ý của chính quyền Iraq.

Tuy nhiên, ngoại trưởng các quốc gia thành viên đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề cung cấp vũ khí. Cho đến nay, Pháp và Anh là hai nước ủng hộ nhiệt tình việc chuyển giao vũ khí, trong khi Thụy Điển, Ireland, Phần Lan, Áo phản đối cung cấp vũ khí cho khu vực chiến sự. Theo kế hoạch, Paris sẽ bắt đầu việc chuyển giao trong vài ngày tới. Canada cũng cử 2 máy bay vận tải quân sự gồm C-177 và C-130 vận chuyển vũ khí tới sân bay quốc tế ở thành phố Irbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd trong tuần sau. Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố Canada chỉ tham gia vận chuyển mà không cung cấp vũ khí và đạn dược cho Iraq.

Truyền thông khu vực ngày 16-8 đưa tin thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) Abu-Bakr Al-Baghdadi đã chạy khỏi thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq để quay về lãnh thổ Syria cùng một đoàn 30 xe Hummer do lo sợ trở thành mục tiêu các cuộc oanh kích của Mỹ nhằm vào các vị trí của ISIL ở Iraq. Al-Baghdadi đã đến Syria. Nguồn tin cho biết thêm các chiến binh Peshamerga người Kurd đã đẩy lùi một cuộc tấn công của ISIL nhằm vào huyện Zammar thuộc tỉnh Diyahla, trong khi ISIL tiếp tục tấn công người thiểu số sắc tộc Yazidi ở Iraq bất chấp các cuộc không kích của Mỹ.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục