Sẽ có quy chế đặc biệt ở miền Đông Ukraine?

Theo Nghị định thư về kết quả đàm phán của Nhóm liên lạc ba bên tại Minsk được công bố trên website của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 7-9, Ukraine phải áp dụng luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực miền Đông là Lugansk và Donetsk, đồng thời phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm.
Sẽ có quy chế đặc biệt ở miền Đông Ukraine?

Theo Nghị định thư về kết quả đàm phán của Nhóm liên lạc ba bên tại Minsk được công bố trên website của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 7-9, Ukraine phải áp dụng luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực miền Đông là Lugansk và Donetsk, đồng thời phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm.

Phi tập trung hóa quyền lực

Tài liệu mang tên Nghị định thư về kết quả cuộc tham vấn ý kiến của Nhóm liên lạc ba bên, đã được ký ở Minsk ngày 5-9, vạch ra những điều cần phải thực hiện để đưa thỏa thuận ngừng bắn vào thực tế. Nội dung của Nghị định thư gồm 12 điểm mà OSCE công bố cho rằng, việc trao quy chế đặc biệt và tổ chức bầu cử sớm là để phi tập trung hóa quyền lực, bao gồm cả thông qua việc Ukraine áp dụng luật về thủ tục tạm thời cho chính quyền địa phương tại các khu vực Donetsk và Lugansk (luật về quy chế đặc biệt). Nhóm liên lạc về Ukraine tại Minsk gồm cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, người đứng đầu chính quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng Igor Plotniskyi, Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov và đặc phái viên OSCE về giải quyết tình hình Ukraine Heidi Tagliavini.

Đại diện chính quyền Kiev, Nga, OSCE và miền Đông Ukraine ra tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc đàm phán 3 bên ở Minsk.

Trước đó, các đại diện Ukraine, Nga và OSCE cũng đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và những người ủng hộ độc lập ở miền Đông bắt đầu từ lúc 15 giờ GMT cùng ngày (5-9). Theo Ria Novosti, các bên cũng nhất trí về việc sẽ để cộng đồng quốc tế giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi tất cả các tù binh chiến tranh và mở hành lang nhân đạo. Tất cả các thỏa thuận đạt được trong cuộc họp này sẽ được phản ánh trong một Biên bản ghi nhớ. Trong vòng 3 ngày, hạn chót là hôm nay (8-9), một nhóm chuyên gia có nhiệm vụ soạn thảo chi tiết biên bản ghi nhớ.

EU có nên tiếp tục trừng phạt Nga?

Sau khi lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine có hiệu lực, các hành động khiêu khích giữa hai phe vẫn thường xuyên diễn ra. Ngày 6-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các biện pháp đảm bảo hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn. Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận những bước đi cần thiết để thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine bền vững và lâu dài cũng như một vài vấn đề khác liên quan tới nhân đạo.

Việc chính quyền Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán và chuẩn bị trao quy chế cho lực lượng đối lập (nếu xảy ra) cho thấy Kiev đã xuống một nấc thang với những người miền Đông. Ưu thế của lực lượng đối lập đã trở nên rõ ràng sau khi họ tổng phản công vào cuối tháng 8 vừa qua, kiểm soát được một loạt các thành phố giáp biển Azov và biên giới Nga, chiếm được sân bay ở Lugansk...

Theo giới quan sát, Kiev buộc phải ngồi vào bàn đàm phán vì thực tế cho đến nay vẫn không có sự giúp đỡ nào cụ thể từ phía EU hay Mỹ, đặc biệt về việc viện trợ quân sự hay can thiệp quân sự. Và câu hỏi đặt ra, liệu EU có nên tiếp tục trừng phạt nước Nga để phiêu lưu với những tổn thất kinh tế mới? Ngày 7-9, một ngày trước khi các biện pháp trừng phạt tăng cường của EU sẽ được áp dụng (theo tuyên bố của EU), đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo “nếu EU áp dụng lệnh trừng phạt mới (bao gồm ngành quốc phòng Nga, các ngân hàng do nhà nước sở hữu và những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin…), Mátxcơva nhất định sẽ phản ứng.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục