Thế giới quyết tâm chống IS

Ngày 15-9, Hãng BBC đưa tin, lãnh đạo trên 30 nước và các tổ chức đã tụ họp về Paris (Pháp) để thảo luận cách thức chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gây ra nhiều hành động tội ác bị cả thế giới lên án.
Thế giới quyết tâm chống IS

Ngày 15-9, Hãng BBC đưa tin, lãnh đạo trên 30 nước và các tổ chức đã tụ họp về Paris (Pháp) để thảo luận cách thức chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gây ra nhiều hành động tội ác bị cả thế giới lên án.

Trên 30 nước liên minh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh, IS là một mối đe dọa thực sự và cần phải có sự hợp tác trên toàn cầu để đối phó với lực lượng này.

Theo thông tin từ hội nghị, trên 30 nước đã nhất trí tham gia liên minh chống IS tại Iraq và Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, bắt đầu từ ngày 15-9, Pháp chính thức tiến hành các chuyến bay trinh sát theo thỏa thuận với chính quyền Iraq và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Trong khi đó, một số nước Ảrập cũng đề nghị tham gia vào các cuộc không kích IS tại Iraq.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặc biệt hoan nghênh những cam kết hỗ trợ về quân sự của các quốc gia trong cuộc chiến chống lại IS. Kể từ khi tăng cường hoạt động từ đầu tháng 3 đến nay, IS đã nổi lên là lực lượng thánh chiến có quy mô lớn và trở thành thách thức lớn về an ninh khu vực và thế giới. Tính đến nay, IS đã chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc Iraq và Syria.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Iraq Fouad Massoum.

Hội nghị là bước đi kịp thời trong bối cảnh sau chuyến thăm Iraq ngày 14-9, Phó Tổng thư ký LHQ về vấn đề nhân đạo Valery Amos tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq do IS gây ra đang ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người dân nước này.

Theo báo cáo của bà Amos, kể từ tháng 1 năm nay, khoảng 1,8 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó trên 850.000 người đã tìm đến tá túc ở vùng do người Kurd kiểm soát để tránh súng đạn ở các vùng có IS hoạt động. Bà Amos nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch nhân đạo, đặc biệt là khi mùa đông đang đến gần.

Không dễ dàng

Hội nghị tại Paris đã thể hiện sự ủng hộ của các nước dành cho chiến lược toàn diện mới chống IS được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hôm 10-9 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chiến lược của Washington chưa toàn diện và còn nhiều điểm hạn chế.

Trước hết, các cuộc không kích sẽ không thể hiệu quả khi IS chuyển sang lối đánh du kích, đồng thời không tránh khỏi gây thương vong lớn cho dân thường vô tội, qua đó kích động tư tưởng cực đoan và làm tăng thêm tâm lý chống Mỹ của người dân địa phương.

Hơn nữa, việc không kích vào sào huyệt của IS tại Syria có thể dẫn đến kết quả mà Mỹ và các nước đồng minh không mong muốn là củng cố quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad. Giải pháp tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng tác chiến địa phương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các tay súng người Kurd gây quan ngại cho các nước trong khu vực hiện đang tìm mọi cách ngăn chặn cộng đồng thiểu số này tuyên bố độc lập. Việc vũ trang cho các tay súng bộ tộc và các nhóm dân quân địa phương người Sunni để chống lại IS cũng có thể là con dao hai lưỡi, làm phức tạp thêm cuộc chiến phe phái vốn nghiêm trọng tại Iraq.

Trong cuộc chiến chống IS lần này, Mỹ và các nước đồng minh sẽ phải đối đầu với một tổ chức thánh chiến cực đoan, thiện chiến, được trang bị tốt, có nguồn tài chính dồi dào và thành viên đông đảo, trong đó có hàng ngàn công dân phương Tây. Dù muốn hay không, Washington sẽ bị kéo vào hai cuộc chiến đang diễn ra tại Syria và Iraq, cũng như xung đột bè phái và sắc tộc trên quy mô khu vực.

Trong bối cảnh bị phân tán nguồn lực với hàng loạt hồ sơ “nóng” trên thế giới như Ukraine, chính sách xoay trục sang châu Á… cộng thêm những khó khăn về kinh tế khiến Mỹ không đủ tiềm lực để theo đuổi một cuộc chiến lâu dài và hết sức tốn kém. Hơn nữa, từ thực tế với cuộc chiến chống al-Qaeda của Mỹ suốt 13 năm qua cho thấy việc tiêu diệt hoàn toàn IS khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Chính phủ Anh xác định danh tính của con tin người Anh thứ 2 sắp bị IS hành quyết là Alan Henning, 47 tuổi. Ông là một lái xe taxi ở TP Manchester đến Syria làm công tác cứu trợ và bị bắt cóc năm 2013. (Daily Mail)

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục