Bộ tứ Normandy đồng thuận giải quyết khủng hoảng Ukraine

Russia Today ngày 22-1 đưa tin, cuộc họp Bộ tứ Normandy giữa Ngoại trưởng các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp kết thúc tại Berlin, Đức, đạt kết quả bước đầu, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 
Bộ tứ Normandy đồng thuận giải quyết khủng hoảng Ukraine

Russia Today ngày 22-1 đưa tin, cuộc họp Bộ tứ Normandy giữa Ngoại trưởng các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp kết thúc tại Berlin, Đức, đạt kết quả bước đầu, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Quân đội Chính phủ Ukraine tiến vào Donetsk

Kêu gọi ngừng bắn

Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nhất trí kêu gọi các bên dừng ngay lập tức những biện pháp thù địch và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường ranh giới được nhất trí theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, đây không phải là bước đột phá nhưng đã mang lại kết quả cụ thể. Hiện nay, Nga cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lãnh thổ Ukraine. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Kiev nên mở kênh đối thoại trực tiếp với hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk để giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Ukraine.

Bộ tứ Normandy cũng thống nhất quan điểm tái khởi động lại kế hoạch tiếp xúc giữa Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong thời gian sớm nhất, với mục tiêu đặt nền tảng cho cuộc gặp cấp cao tại thủ đô Astana của Kazakhstan, nhằm tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của cuộc họp khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi do các cuộc giao tranh dữ dội vẫn diễn ra tại Đông Ukraine. Ngày 22-1 đã trở thành ngày đẫm máu tại Đông Ukraine khi có 41 người thiệt mạng, trong đó có 13 người chết trong vụ một trạm xe buýt ở Donetsk bị trúng pháo kích.

Trong khi đó, theo lực lượng đối lập tại miền Đông, chỉ trong 3 ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 1.500 lính bị thương. Còn Ukraine cho biết, 300 người thuộc lực lượng chống đối đã thiệt mạng.

Có thể ngừng hậu thuẫn cho Ukraine

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), phương Tây có thể sẽ ngừng hậu thuẫn cho Ukraine nếu những cam kết cải cách không được thúc đẩy nhanh chóng tại quốc gia Đông Âu này.

IISS cho biết, từ khi nổ ra cuộc cách mạng Maidan, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dành cho Ukraine sự trợ giúp đáng kể về tài chính và quân sự. Tuy nhiên, những cam kết trợ giúp của phương Tây là có giới hạn và luôn đi kèm với điều kiện. Hiện Ukraine đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế và bất ổn an ninh gia tăng nhanh chóng trong năm 2015. Mặc dù vẫn nhất trí rằng không thể để Ukraine sụp đổ, nhưng các nước phương Tây sẽ tính toán lại cam kết của mình nếu tình hình không có biến chuyển.

Trong khi đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, phía Ukraine tiếp tục cáo buộc Nga đang gây rối tại miền Đông Ukraine. Trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo “Tương lai cho Ukraine” ở Davos, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực quốc tế kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga. Ông Petro Poroshenko đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp một chương trình cứu trợ dài hạn mới thay cho chương trình 17 tỷ USD hiện tại nhằm cứu vãn nền kinh tế đang kiệt quệ vì xung đột vũ trang. Ông cũng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào nền kinh tế Ukraine.

Cũng trong một bài phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nga, ông Arkady Dvorkovich khẳng định, nước Nga sẽ đứng vững bất chấp việc giá dầu lao dốc. Ông Dvorkovich bác bỏ khả năng phá sản của Nga ở cấp quốc gia, đồng thời chỉ trích các tổ chức quốc tế hạ xếp hạng tín dụng của Nga. Về quan hệ giữa Nga và phương Tây trong đó có lĩnh vực kinh tế, ông Dvorkovich cho rằng hiện chưa có lý do để Nga bãi bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa phương Tây.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục