Quốc tế chung tay dập cháy rừng ở Indonesia

Hãng tin CNA đưa tin, ngày 11-10, 7 trực thăng cùng 4 máy bay chuyên dụng đã tham gia dập lửa các đám cháy rừng ở khu vực Ogan Komering Ilir và Musi Banyuasin ở tỉnh Nam Sumatra, Indonesia, nguyên nhân dẫn đến khói mù làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua.
Quốc tế chung tay dập cháy rừng ở Indonesia

Hãng tin CNA đưa tin, ngày 11-10, 7 trực thăng cùng 4 máy bay chuyên dụng đã tham gia dập lửa các đám cháy rừng ở khu vực Ogan Komering Ilir và Musi Banyuasin ở tỉnh Nam Sumatra, Indonesia, nguyên nhân dẫn đến khói mù làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua.

Quốc tế chung tay dập cháy rừng ở Indonesia ảnh 1


Nhân viên cứu hỏa Indonesia dập cháy rừng tại Nam Sumatra


Cố gắng dập cháy trong 2 tuần

Theo Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia (BNPB), đội bay trên gồm các máy bay của Indonesia, Singapore và Malaysia, thả “bom nước” dập tắt các đám cháy rừng của Indonesia.

Singapore đã đưa 1 trực thăng Chinook, 2 máy bay vận tải C-130 chuyên chở các thiết bị chữa cháy cùng 40 nhân viên cứu hỏa sang Indonesia. Trong khi đó, Malaysia đã cử một đội cứu hộ 25 người cùng một máy bay chuyên dụng Bombardier có khả năng hút 6.000 lít nước trong 12 giây, đủ để dập tắt đám cháy có diện tích bằng 1 sân bóng đá. Một đội cứu hộ của Australia có thể sẽ đến Palembang, thành phố lớn thứ hai ở Sumatra, trong ngày 11-10. Ngoài ra, vào đầu tuần này, Australia cũng có thể sẽ gửi máy bay Hercules L 100, có khả năng chứa 15 tấn nước, để tham gia dập lửa.

Người phát ngôn của BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết, hiện có 726 điểm nóng tại Sumatra và 182 điểm tại Kalimantan thuộc đảo Borneo. Khoảng 1,7 triệu ha đất và rừng của Indonesia đã bị ảnh hưởng bởi các đám cháy rừng. Indonesia đã phải viện đến sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế sau khi khói mù sinh ra từ các đám cháy rừng ảnh hưởng nặng nề đến bầu không khí tại các quốc gia như Singapore và Thái Lan, cũng như hoạt động kinh tế của những nước trên. Hiện Indonesia vẫn tiếp tục chờ thêm sự giúp đỡ từ nhiều nước khác để có thể thực hiện mục tiêu xóa bỏ tất cả các điểm cháy rừng trong 2 tuần tới.

Nguy cơ quan hệ láng giềng sứt mẻ

Tờ Straits Times cho biết, theo các ước tính ban đầu của cơ quan chức năng Indonesia, khủng hoảng khói mù ở nước này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế xứ vạn đảo khoảng 475.000 tỷ rupiah (tương đương 47 tỷ USD). BNPB cho biết cơ quan này đã phải sử dụng hết 385 tỷ rupiah ngân sách để đối phó với cháy rừng và đã phải lạm sang quỹ khẩn cấp trị giá 2.500 tỷ rupiah sử dụng cho các thảm họa khác. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia cũng đã phải phân bổ 1 triệu USD cho Kalimantan và Sumatra để hỗ trợ người dân ở những khu vực chịu ảnh hưởng của cháy rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, điều mà giới quan sát đặc biệt quan ngại đó là những vụ đốt rừng trái phép tại Kalimantan và Sumatra có thể đe dọa đến quan hệ của Indonesia với các nước trong khu vực bởi đây là vấn đề đã kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Hai nhà nghiên cứu Tiola Javadi và David Han của Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) cảnh báo, nếu khủng hoảng khói mù không sớm chấm dứt, căng thẳng trong quan hệ giữa Indonesia với Singapore, Malaysia hay Thái Lan là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chia sẻ với quan điểm trên, giáo sư Euston Quah của Đại học Nanyang (Singapore) - người đã có nhiều năm nghiên cứu về tác động của khói mù đến kinh tế - cho rằng có thể còn quá sớm để nói về những thiệt hại gây ra đối với kinh tế do khói mù bởi cuộc khủng hoảng này có thể còn tiếp diễn đến đầu tháng 11 do tác động của El Nino. “Cái giá lớn nhất của khói mù gây ra cho Indonesia đó là mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng sẽ bị đổ vỡ. Đây là chi phí vô hình mà không gì có thể đo đếm được đối với Indonesia”, giáo sư Euston Quah nói.
Đám khói mù xuyên biên giới lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1997 đã khiến nền kinh tế trong khu vực thiệt hại khoảng 9 tỷ USD. Giáo sư Euston Quah tin rằng với việc El Nino hoạt động mạnh nhất trong 50 năm qua, hậu quả khói mù để lại cho nền kinh tế trong khu vực năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với năm 1997.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục