Mỹ điều động thêm quân chống IS

Mỹ điều động thêm quân chống IS

Với hy vọng có thể làm suy yếu sức mạnh của nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định điều động thêm hàng trăm binh lính vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.

3.600 lính Mỹ tại Iraq

Thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã phê chuẩn kế hoạch điều động thêm 450 lính Mỹ vào Iraq với hy vọng hỗ trợ các lực lượng bản địa đảo ngược được tình thế chiến sự đang nghiêng về phía các tay súng IS. Quyết định này nâng tổng số lính Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến chống IS tại Iraq lên xấp xỉ 3.600 người. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng lính tăng viện của Mỹ là giúp huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh của Iraq tại một căn cứ thuộc tỉnh Anbar, nơi thủ phủ của tỉnh lỵ này đã bị các tay súng IS đánh chiếm hồi tháng trước.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, quyết định trên của Mỹ là theo đề nghị của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cộng với khuyến nghị của các quan chức quân sự cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Ngoài việc hỗ trợ cho các lực lượng Iraq chiếm lại các vùng lãnh thổ đã bị mất vào tay IS, việc điều động thêm binh lính còn nhằm mục đích ngăn chặn các tay súng nước ngoài thâm nhập vào Iraq và Syria. Việc chọn một căn cứ ở tỉnh Anbar làm nơi huấn luyện mới đã nâng tổng số các địa điểm quân đội Mỹ giúp huấn luyện cho các lực lượng Iraq từ 4 lên 5 địa điểm.

Lực lượng vũ trang của Iraq trong một cuộc giao tranh với IS tại Fallujah, cách thủ đô Baghdad (Iraq) 65km về phía Tây.

Quyết định điều động thêm quân được đưa ra sau khi Mỹ đã tiến hành tổng cộng hơn 4.400 vụ không kích kể từ tháng 9-2014 nhưng cán cân sức mạnh tại Iraq vẫn nghiêng về phía các tay súng IS. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Obama thừa nhận cho tới nay mặc dù đã 10 tháng tiến hành chiến dịch không kích nhưng Lầu Năm Góc vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Với sự giúp đỡ của Mỹ, cho tới nay đã có khoảng 9.000 binh lính Iraq đã được huấn luyện kỹ năng chống IS và khoảng 3.000 binh lính khác đang trong quá trình được huấn luyện. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và các chuyên gia quân sự cho rằng việc một số thành phố, điển hình là thành phố Ramadi ở Iraq và thành phố Palmyra ở Syria, bị rơi vào tay lực lượng IS là do sai lầm trong chiến lược của chính quyền Obama chỉ thuần túy dựa vào sức mạnh của không quân.

Không đội trời chung với IS

Hiện không chỉ có Mỹ và lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tham gia cuộc chiến chống IS. Ngày 11-6, người đứng đầu phong trào Hezbollah của Lebanon Hassan Nasrallah cho biết, lực lượng vũ trang của phong trào này sẽ sát cánh cùng quân đội Syria chống lại IS, bảo vệ Lebanon. Các cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên tại Qalamun, gần biên giới Syria và Lebanon đã bắt đầu. Theo nhà lãnh đạo của Hezbollah, hàng chục tay súng của IS đã bị tiêu diệt; phía Hezbollah cũng có thiệt hại về người nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Nguồn tin từ phía Hezbollah cho hay, hiện quân đội Syria và Hezbollah đang kiểm soát phần lớn các vùng đồi, núi ở Qalamun sau khi đẩy lùi IS và Al-Nusra Front, chân rết của tổ chức al Qaeda tại Syria. Hezbollah và quân đội Syria đã cùng nhau mở các cuộc phản công đẩy lùi IS khỏi khu vực biên giới Syria-Lebanon khoảng 1 tháng trước đây.

Trong lực lượng tham gia chống lại IS hiện nay có sự xuất hiện các nhóm cực đoan thân al Qaeda. Nasser Akr, nhóm vũ trang bị Anh cáo buộc tội khủng bố, đã tuyên bố chiến đấu đến cùng với IS tại Libya. Động thái trên của Nasser Akr diễn ra sau khi các tay súng của IS tại Libya đã sát hại một trong những thủ lĩnh cấp cao của Nasser Akr.

Việc Hezbollah hay Nasser Akr thề sống chết với IS xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau nhưng với những diễn biến kể trên có thể thấy tham vọng bành trướng, mở rộng địa bàn của IS đang phải đối mặt với những thách thức thực sự.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Mỹ điều thêm 450 quân đến Iraq chống IS

Tin cùng chuyên mục