Hy Lạp nói “không”, Eurozone họp khẩn

Hy Lạp nói “không”, Eurozone họp khẩn

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đã từ chức vào ngày 6-7 bất chấp kết quả trưng cầu dân ý, cho thấy 61,3% cử tri Hy Lạp nói “không” với các điều kiện cứu trợ tài chính từ bộ ba chủ nợ gồm: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Sự kiện này được xem là bước nhượng bộ nhỏ của Chính phủ Hy Lạp để bắt đầu lại cuộc đàm phán về nợ.

Hy Lạp: “Dạy cho EU bài học”

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis trong các cuộc đàm phán trước đây đã không ít lần chọc giận các chủ nợ đến mức nhiều chính khách của EU gọi ông là “thằng hề”, một “gã thất thường”. Ông cũng có công lớn trong việc vận động cử tri bỏ phiếu “không” và cáo buộc các chủ nợ của Hy Lạp là những người theo “chủ nghĩa khủng bố”. Trong tuyên bố từ chức, ông Varoufakis thừa nhận việc từ chức của ông được Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá là có ích trong việc đạt được một thỏa thuận giữa Chính phủ Hy Lạp với các chủ nợ. Trong một bài viết trên blog để chia tay cử tri Hy Lạp, ông Varoufakis nói người Hy Lạp đã dạy cho EU một bài học về dân chủ và bây giờ EU nên đưa ra các điều khoản cứu trợ tài chính tốt hơn.

Người dân Hy Lạp tràn ra đường mừng kết quả trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã khen ngợi người dân nước này ủng hộ chính phủ của ông khi bỏ phiếu “không”. Tại quảng trường trung tâm thủ đô Athens, đám đông kéo về để ăn mừng kết quả bỏ phiếu. Thủ tướng Tsipras khẳng định, kết quả trưng cầu dân ý không phải để Hy Lạp rời khu vực đồng euro (Eurozone) hay EU mà để tăng cường vị thế đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, mặc dù bỏ phiếu “không” nhưng 74% người Hy Lạp được hỏi vẫn ủng hộ nước này ở lại Eurozone.

Chia tay Eurozone?

Với các ngân hàng đóng cửa, các máy rút tiền hết tiền, Athens gần như đang kiệt sức. Theo Reuters, số phận của Hy Lạp phần lớn đang nằm trong tay của ECB và của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hội đồng hoạch định chính sách của ECB ngày 6-7 đã tổ chức hội nghị bàn về cách thức cứu trợ các ngân hàng của Hy Lạp sau khi nước này từ chối áp đặt các điều khoản cứu trợ tài chính của ECB.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đang chịu áp lực để Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Ngày 6-7, bà Angela Merkel đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Paris để tìm phản ứng chung của EU trước thềm hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Eurozone tại Brussels vào ngày 7-7. Theo thăm dò, đa số dân của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nhanh chóng chuyển sang phản đối viện trợ thêm cho Hy Lạp. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã phá vỡ “các cây cầu cuối cùng” gắn kết với Eurozone. Một số nguồn tin thân cận với ECB cho biết, ECB sẽ từ chối yêu cầu của Chính phủ Hy Lạp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho Ngân hàng Trung ương Hy Lạp.

Chuyên viên phân tích Kathleen Brooks của GAIN Capital, một công ty ngoại hối cho biết, khả năng Athens rời khỏi Eurozone hiện giờ là 80%, mặc dù sẽ trải qua nhiều năm đàm phán.

Đồng EUR giảm so với đồng USD trên thị trường châu Á sau kết quả bỏ phiếu tại Hy Lạp. Cổ phiếu và trái phiếu châu Âu mất giá ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua một phần do những lo ngại về nền kinh tế của Trung Quốc và một phần vì kết quả bỏ phiếu ở Hy Lạp.

THỤY VŨ (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Hy Lạp: Người dân bỏ phiếu bác bỏ cải cách kinh tế

Tin cùng chuyên mục