Chứng khoán Trung Quốc lại đóng cửa sớm: Thị trường náo loạn, nhà đầu tư lo lắng

Chứng khoán Trung Quốc lại đóng cửa sớm: Thị trường náo loạn, nhà đầu tư lo lắng

Ngày 7-1, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch trong 15 phút và sau đó đóng cửa sớm khi giá các cổ phiếu sụt giảm mạnh, gây hiệu ứng domino cho các thị trường quốc tế khiến các nhà đầu tư bất an.

PboC lại phá giá nhân dân tệ

Theo Tân Hoa xã, trong phiên giao dịch mở cửa, chỉ số Thượng Hải Composite Index giảm 5,45%, trong khi chỉ số Thâm Quyến Composite Index giảm tới 6,77%. Với mức giảm này, cơ chế “tự ngắt” của thị trường chứng khoán Trung Quốc được khởi động. Đây là cơ chế theo dõi Chỉ số Hushen 300, chỉ số phản ánh hoạt động của hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến. Khi chỉ số Hushen 300 tăng hoặc giảm khoảng 5%, cơ chế này áp đặt dừng hoạt động giao dịch trong 15 phút và nếu chỉ số này giảm trên 7%, giao dịch dừng trong ngày. Khi thị trường hoạt động trở lại sau 15 phút tự ngắt, cổ phiếu tiếp tục bị bán tháo và kết quả là mức giảm của chỉ số CSI 300 đã vượt quá mức 7%. Vào lúc 9 giờ 59 sáng cùng ngày (giờ địa phương), thị trường tự động đóng cửa trong cả ngày.

Trước đó, Trung Quốc đã điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trên hệ thống Giao dịch ngoại hối Trung Quốc, tỷ giá tham chiếu đồng NDT/USD đã giảm 0,51%, xuống còn 6,564 NDT/1USD.

Đây là phiên giao dịch thứ 8 liên tiếp của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong đó NDT giảm giá so với USD, và cũng mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Bắc Kinh điều chỉnh giảm gần 5% giá trị đồng NDT trong vòng một tuần hồi tháng 8 vừa qua.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc và đóng cửa sớm trong ngày 7-1

Mặc dù các biện pháp bảo vệ đồng NDT đã giúp tỷ giá ổn định trong gần 4 tháng qua sau động thái phá giá ngày 11-8 năm ngoái, cái giá mà Trung Quốc phải trả là dự trữ ngoại hối năm 2015 sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử. Kể từ đầu tháng 12-2015, khi các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế yếu ớt nhất trong 25 năm và Mỹ tăng lãi suất khiến dòng vốn tháo chạy mạnh hơn, Trung Quốc đã phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ.

Các chuyên gia ngoại hối cho rằng việc phá giá NDT đã vượt quá kỳ vọng của nhà đầu tư, do đó thị trường trở nên hoảng loạn và dòng vốn tháo chạy.

Nhà đầu tư ngoại ngán ngẩm

Những phiên giao dịch nhiều xáo động vào đầu năm 2016 đã thể hiện một cách rõ nét những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc cũng như chính sách và các động thái can thiệp của PboC đã tác động mạnh như thế nào tới các thị trường cổ phiếu toàn cầu, từ châu Á, châu Âu đến Mỹ.

Giới phân tích tại Anh nhận định vào thời điểm hiện tại, các thị trường tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sánh với thị trường Phố Wall của Mỹ về mặt tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Giám đốc đầu tư Sanjiv Shah thuộc Sun Global Investments đánh giá những nỗ lực ổn định thị trường của Bắc Kinh càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay của kinh tế nước này. Thêm vào đó, vụ Triều Tiên thử hạt nhân cộng với sự rớt giá của đồng NDT càng khiến cho tâm trạng của các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ thêm ngán ngẩm.

Ông Timothy Moe, phụ trách bộ phận chiến lược của Goldman Sachs khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lưu ý những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang làm gia tăng mối quan ngại rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể để đồng NDT tiếp tục rớt giá. Đây là điều mà các nhà đầu tư tiền tệ và chứng khoán đều muốn tránh, nhất là vào thời điểm đầu năm mới. Brian Jacobsen, chiến lược gia tại quỹ Wells Fargo Advantage Funds, nhận định uy tín của Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư ngoại đã giảm mạnh sau những biện pháp can thiệp hành chính. Đồng thời, nước này sẽ phải trả giá khá đắt nếu tiếp tục can thiệp vào thị trường bởi giá không phản ánh những yếu tố cơ bản trên thực tế.

Trong lúc này, báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB được công bố 2 lần/năm dự báo nền kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,9%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6-2015, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,4% của năm 2015. Nguyên nhân, theo WB, là do tốc độ tăng trưởng thấp tại một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Dự kiến, IMF sẽ công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới của tổ chức này vào ngày 20-1 tới.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục