Vụ máy bay Nga rơi ở Biển Đen: Sai sót của phi công hay lỗi kỹ thuật?

Ngày 26-12, theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga treo cờ rủ, để quốc tang tiễn đưa 92 nạn nhân trên chiếc máy bay quân sự Tu-154 gặp nạn 1 ngày trước đó tại Sochi. Cùng ngày, đội cứu hộ đã tìm thấy phần thân của máy bay. Hiện công tác tìm kiếm, đưa thi thể các nạn nhân về đất liền cũng như điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đang được tiến hành khẩn trương.
Vụ máy bay Nga rơi ở Biển Đen: Sai sót của phi công hay lỗi kỹ thuật?

Ngày 26-12, theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga treo cờ rủ, để quốc tang tiễn đưa 92 nạn nhân trên chiếc máy bay quân sự Tu-154 gặp nạn 1 ngày trước đó tại Sochi. Cùng ngày, đội cứu hộ đã tìm thấy phần thân của máy bay. Hiện công tác tìm kiếm, đưa thi thể các nạn nhân về đất liền cũng như điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đang được tiến hành khẩn trương.

Người dân Sochi tưởng niệm các nạn nhân xấu số

Tập trung tìm kiếm thi thể nạn nhân

Ngày 26-12, mọi hoạt động vui chơi, giải trí chào đón lễ Giáng sinh và mừng năm mới tại Nga đều bị hủy bỏ. Tất cả các đài truyền hình địa phương cũng ngừng phát sóng mọi chương trình quảng cáo. Toàn bộ nhà thờ Chính thống giáo ở Nga tổ chức nghi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân.

Song song đó, các tổ chức nhà nước, tư nhân cũng như các cá nhân đang tích cực hỗ trợ nhà chức trách tìm kiếm nhằm sớm đưa thi thể các nạn nhân về đất liền. Sáng 26-12, 2 tàu lặn có người lái C-Quester và C-Explorer của Hiệp hội Địa lý Nga (RGS) được cử đến hiện trường vụ tai nạn để tham gia các hoạt động tìm kiếm. 2 tàu lặn này có khả năng hoạt động liên tục 8 giờ dưới nước, có thể lặn sâu 100m và 300m. Ngoài ra, còn có các nhân viên Trung tâm Viễn chinh quốc phòng Nga do Giám đốc Trung tâm Evgene Binyukova chỉ huy; các thợ lặn giàu kinh nghiệm của Trung tâm nghiên cứu dưới nước thuộc RGS; cùng 39 tàu thuyền, 135 thợ lặn và 7 thiết bị ngầm biển sâu... hoạt động tìm kiếm trong khu vực máy bay gặp nạn được tiến hành liên tục suốt đêm 25-12. 

Đặt ra nhiều giả thiết

Việc máy bay Tu-154 rơi sau khi cất cánh 7 phút và không phát tín hiệu khẩn cấp đặt ra nghi vấn với các nguyên nhân: trục trặc kỹ thuật, lỗi con người, thậm chí khủng bố. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Maksim Sokolov, người đứng đầu Ủy ban điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Tu-154 của Chính phủ Nga, cho biết cơ quan này đang xem xét tất cả mọi giả thuyết có thể dẫn đến vụ tai nạn máy bay này, trong đó không loại trừ khả năng bị tấn công khủng bố. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Sokolov cho rằng, sai sót của phi công hoặc một lỗi kỹ thuật cũng có thể là nguyên nhân gây nên vụ tai nạn khiến 92 hành khách cùng phi hành đoàn của Nga tử nạn vừa qua. Người đứng đầu Hiệp hội Hàng không dân dụng Aeroflot Viktor Gorbachev nghi ngờ phải có vấn đề gì đó với động cơ, máy bay mới bị mất điện.

Nhiều ý kiến chung nhận định, có thể phi công không phải là nguyên nhân. Cơ trưởng Roman Volkov là phi công cấp 1 (tức cấp cao nhất), với kinh nghiệm hơn 3.000 giờ bay. Phi hành đoàn này là một trong những đội ngũ giàu kinh nghiệm nhất. Họ đã vài lần dẫn đầu việc vận chuyển các máy bay Su-30, Su-35 và Su-24 đến căn cứ không quân Hmeimim, cũng trên chính chiếc máy bay gặp nạn Tu-154.

Một giả thiết khác cũng được tính đến là có khả năng máy bay đã nổ tung trên không trung, qua việc phát hiện nhiều mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác. Và còn đó thắc mắc chưa có lời đáp: Vì sao các phi công đã không kịp phát tín hiệu khẩn cấp với kiểm soát viên không lưu về sự cố?.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngày 26-12, tuyên bố giả thiết tấn công khủng bố không phải là hướng điều tra ưu tiên hàng đầu trong cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Tu-154.

Những lời chia buồn sâu sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục được gửi về Nga. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 25-12 đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Nga Putin và thân nhân những người thiệt mạng trong vụ tai nạn. Lãnh đạo nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã gửi điện chia sẻ nỗi đau này của nước Nga, trong đó có Hy Lạp, Czech, Anh, Serbia, Mexico, Iraq...

Để biểu thị tình đoàn kết với nước Nga trước vụ tai nạn máy bay Tu-154, Belarus tuyên bố dành ngày thứ hai 26-12 là ngày quốc tang. Theo lệnh của Tổng thống Alexandr Lukashenko, các tòa nhà của cơ quan nhà nước Belarus treo cờ rủ và hủy các chương trình giải trí trên đài phát thanh, truyền hình.

HẠNH CHI (tổng hợp)

>> Tìm thấy nhiều mảnh vỡ nghi là của máy bay quân sự Nga

>> Nga loại trừ khả năng máy bay Tu-154 rơi do bị khủng bố

>> Tìm thấy mảnh vỡ máy bay quân sự Nga trên biển Đen

Tin cùng chuyên mục