Dồn dập trừng phạt Triều Tiên

Ngày 8-3, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt của riêng Seoul chống Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo mới đây.
Dồn dập trừng phạt Triều Tiên

Ngày 8-3, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt của riêng Seoul chống Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo mới đây.

Động thái này, cùng với các lệnh trừng phạt hồi tuần trước của Liên hiệp quốc (LHQ), một lần nữa đưa Triều Tiên vào vòng vây trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay.

Philippines bắt một tàu chở hàng của Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ

Thêm các đòn trừng phạt khắc nghiệt

Lệnh trừng phạt của Hàn Quốc đối với Triều Tiên bao gồm việc cấm tàu thuyền từng cập cảng Triều Tiên trong 180 ngày qua vào lãnh hải của Hàn Quốc; đưa vào danh sách đen 38 quan chức Triều Tiên và 2 người nước ngoài, cùng với 30 tổ chức, trong đó có 24 tổ chức có trụ sở tại Bình Nhưỡng, tham gia vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên…

Chính phủ Hàn Quốc cho biết biện pháp này sẽ cấm những người và tổ chức trên thực hiện các giao dịch bất động sản và tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc và phong tỏa tài sản của họ tại đây. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đưa vào “danh sách đen” hàng chục cá nhân và thực thể có dính líu đến việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ khuyến cáo công dân của mình ở nước ngoài không tới các quán ăn của Triều Tiên do đây có thể là nơi thu ngoại tệ cho chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực bởi các cá nhân có tên trong danh sách đen của Hàn Quốc đều không có tài sản hay bất kỳ giao dịch tài chính nào ở Hàn Quốc.

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã chính thức ngừng dự án hợp tác ba bên “Nanjin-Khasan” với Nga và Triều Tiên nhằm để thực thi đầy đủ Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về trừng phạt Triều Tiên ban hành ngày 3-3 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Hàn Quốc quyết định ngừng dự án hợp tác ba bên trên là để phù hợp với các biện pháp trừng phạt đơn phương bổ sung nhằm vào Triều Tiên vừa công bố. Theo đó, cấm tàu thuyền của nước thứ 3 cập cảng Hàn Quốc trong vòng 180 ngày kể từ ngày cập cảng Triều Tiên.

Đưa Triều Tiên trở lại vòng đàm phán

Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt liên tục, trong bối cảnh cùng ngày 7-3, Mỹ và Hàn Quốc cũng bắt đầu cuộc tập trận với sự tham gia của hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và sử dụng hàng không mẫu hạm hạt nhân USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ, cũng như máy bay quân sự Mỹ, Triều Tiên tiếp tục “khiêu khích và đe dọa”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân của nước này ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu “bất cứ lúc nào” để đối phó với nghị quyết trừng phạt của HĐBA cũng như các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn.

Cùng ngày, Cơ quan Tình báo quốc gia của Hàn Quốc (NIS) cho biết, các chuyên gia đã ngăn chặn nỗ lực đột nhập tài khoản của công nhân đường sắt nước này và đóng các tài khoản. Họ phát hiện kế hoạch tấn công của Triều Tiên và theo NIS động thái này là bước đi nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống kiểm soát giao thông đường sắt.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis tuyên bố, Washington xem những đe dọa của Bình Nhưỡng chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng. Hãng tin Tân Hoa xã ngày 8-3 dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nêu rõ mục đích của các lệnh trừng phạt cứng rắn của HĐBA LHQ áp đặt lên Triều Tiên nhằm gây áp lực để nước này trở lại các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân, thông qua các vòng đàm phán 6 bên. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục gây áp lực với mong muốn đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục