Trung Quốc phô trương, thách thức và ngụy biện

Xảo ngôn
Trung Quốc phô trương, thách thức và ngụy biện

Ngày 5-7, Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài đến ngày 11-7 tại vùng biển có diện tích 1.000km² xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó, South China Morning Post dẫn bình luận của ông Ashley Townshend, nghiên cứu sinh tại Đại học Sydney (Australia) cho rằng, việc ấn định thời điểm cho các cuộc tập trận này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn “phô diễn một hình ảnh thách thức” trước khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye PCA dự kiến ra phán quyết vào ngày 12-7 tới.

Truyền hình Trung ương Trung Quốc chiếu cảnh tập trận ở biển Đông ngày 5-7

Xảo ngôn

Theo đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, cuộc tập trận bị lên án này bắt đầu vào khoảng 8 giờ Bắc Kinh, trong đó 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thẩm Dương và Ninh Ba cùng 1 tàu khu trục tên lửa Triều Châu được triển khai.

Thời gian gần đây, có thể thấy Bắc Kinh ráo riết gia tăng các hoạt động ngoại giao và quân sự đề phòng khả năng phán quyết bất lợi cho nước này, mặc dù từ lâu Bắc Kinh tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA.

Ngay cả tờ Thời báo Hoàn cầu cũng phải thừa nhận rằng cuộc tập trận diễn ra vào “thời điểm nhạy cảm” trước phán quyết của PCA vào ngày 12-7 tới đây. Tờ báo này cho rằng, phán quyết của PCA “đặt ra mối đe dọa nhiều hơn với Trung Quốc”. Theo bài báo, Mỹ có thể sử dụng phán quyết của PCA để gây thêm sức ép với Trung Quốc “tạo thêm nhiều căng thẳng ở biển Đông”. Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay chiến đấu đến gần biển Đông và theo tờ Thời báo Hoàn cầu, điều này phát đi tín hiệu “buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA”.

Chưa hết, trong khi dư luận thế giới lo ngại về cuộc tập trận quy mô của Trung Quốc ở gần quần đảo Hoàng Sa, tờ báo này ngụy biện cuộc tập trận của Trung Quốc “có thể được coi là một biện pháp đối phó” với một số cường quốc bên ngoài khu vực biển Đông mong muốn làm “dậy sóng” khu vực sau phán quyết của PCA. Vì vậy, theo họ, Trung Quốc nên “tăng tốc khả năng răn đe quân sự chiến lược” chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra sau ngày 12-7.

“Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong tương lai ngắn hạn, Trung Quốc cần có khả năng để buộc Mỹ trả giá”, tờ Hoàn cầu Thời báo viết. Theo báo này, Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng cũng phải chuẩn bị cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào.

Mất vị thế trên thế giới

Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đã phát động chiến dịch lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cần nhắc lại là Bắc Kinh nói có 60 nước ủng hộ lập trường biển Đông của họ, trong đó chủ yếu là các nước ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tên trong danh sách đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc.

Trong khi đó, truyền hình Trung ương Trung Quốc cho chiếu một loạt các phim hoạt hình minh họa lịch sử của vùng biển Đông. Chính báo chí Trung Quốc thừa nhận Mỹ và Philippines hiện đang chiếm ưu thế trong công luận về vấn đề biển Đông, trong đó Philippines sử dụng phương tiện truyền thông gọi Trung Quốc là một quốc gia “không tuân theo luật pháp quốc tế”. Điều trớ trêu là trong khi Trung Quốc không muốn tuân thủ luật pháp quốc tế thì giới luật gia nước này cho rằng Trung Quốc cần tham gia nhiều hơn vào các hội nghị lập pháp quốc tế.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên tờ The Guardian, Andrew Nathan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, Trung Quốc ngày càng tỏ ra bất chấp mọi chỉ trích của cộng đồng quốc tế thông qua việc thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở biển Đông. Theo ông Nathan, “Bắc Kinh không quá lo lắng về những phản đối của các nước, họ xem đã đến thời điểm thực hiện tham vọng kéo dài nhiều thập kỷ qua”. Các nhà phê bình cho rằng, tham vọng của Bắc Kinh về các vấn đề như biển Đông đã làm mất đi vị thế của Trung Quốc trên thế giới và đẩy Trung Quốc xa lánh các đồng minh tiềm năng.

THỤY VŨ (tổng hợp)

- Tàu Hải cảnh Trung Quốc lại xâm nhập lãnh hải Nhật Bản

Tin cùng chuyên mục