Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” ở biển Đông

Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” ở biển Đông

Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA):

“Yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có tư cách lịch sử đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về các quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Đây là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở biển Đông đưa ra chiều 12-7 (theo giờ Việt Nam).

Người dân Philippines vui mừng sau phán quyết của PCA

Không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế

Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là bãi đá, nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (mà phía Trung Quốc gọi Hoàng Nham) trên biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Phán quyết này được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào ngày 22-1-2013 sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông mà không đạt được kết quả. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển Đông bằng việc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”. PCA đã ra phán quyết khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.​

Phải tuân thủ phán quyết

Phản ứng trước phán quyết của PCA, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ra tuyên bố hoan nghênh, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh. Bộ trưởng Yasay nhấn mạnh Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này, coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh phán quyết của PCA mang tính ràng buộc pháp lý, do đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, phán quyết của PCA là đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hy vọng và mong muốn các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về biển Đông nói trên. Đồng thời, hối thúc tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích sau khi PCA ra phán quyết này.

Bên cạnh đó, Mỹ nhấn mạnh tiếp tục nghiên cứu về phán quyết trên của PCA. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã ra tuyên bố chung, bày tỏ hoan nghênh phán quyết của PCA.

Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) thì kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực. MFA nhấn mạnh Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Singapore ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước; ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ra tuyên bố kêu gọi gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững biển Đông. Còn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đang nghiên cứu vấn đề này một cách cẩn thận.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA và cho rằng phán quyết của PCA là không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc. Chính quyền lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA.

Tối 12-7 (giờ Việt Nam), Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ 6 đã khai mạc tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ).

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã hoan nghênh phán quyết của PCA. Ông hối thúc Trung Quốc thể hiện là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tuân thủ phán quyết của tòa. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS Greg Poling cho rằng, phán quyết của PCA đã thật sự phủ nhận yêu sách của Trung Quốc liên quan tới chủ quyền khu vực mà Bắc Kinh gọi là “đường lưỡi bò” ở biển Đông. Ông Poling cũng đánh giá phán quyết của PCA là một sự khích lệ cho việc giải quyết tranh chấp hàng hải bằng biện pháp pháp lý.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

>> Tòa Trọng tài Thường trực bác "các quyền lịch sử" của Trung Quốc trên Biển Đông

Tin cùng chuyên mục