Trung Quốc lại giương oai diễu võ ở biển Đông

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 18-7 cho biết,  Bắc Kinh sẽ ngăn chặn việc tiếp cận một phần biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 19-7.
Trung Quốc lại giương oai diễu võ ở biển Đông

>> Trung Quốc lại gây căng thẳng trên biển Đông
>> Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA): Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” ở biển Đông
>> Trung Quốc dọa lập ADIZ ở biển Đông

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 18-7 cho biết,  Bắc Kinh sẽ ngăn chặn việc tiếp cận một phần biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 19-7.

Tìm mọi cách lấp liếm

Đài Truyền hình Trung Quốc CCTV dẫn thông tin từ cục trên cho biết, quân đội nước này sẽ tập trận ở ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Hải Nam từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều các ngày từ 19 - 21-7. Thông báo cũng ngang ngược tuyên bố, trong thời gian tập trận, quân đội Trung Quốc sẽ cấm tàu thuyền lưu thông ở khu vực này.

Đây là đợt tập trận quân sự đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế  (PCA) ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông. Thông tin này được công bố giữa lúc Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson đang có chuyến thăm tới Trung Quốc để hội đàm với Trung Quốc về các nội dung liên quan đến biển Đông và cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Trước đó, tại một diễn đàn kín ở Bắc Kinh vào tối 16-7, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc lớn tiếng hăm dọa các hoạt động tuần tra tự do hàng hải do các lực lượng hải quân nước ngoài tiến hành trên biển Đông có thể kết thúc trong thảm họa. Quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 3 tháng (từ tháng 7 - 9), giả lập tình huống tham chiến thật trên biển Đông.

Trung Quốc sẽ tăng cường bồi đắp các đá ở biển Đông để phản đối phán quyết của PCA một cách tiêu cực Ảnh: CSIS

Cùng ngày, tại Diễn đàn Hòa bình thế giới do Đại học Thanh Hoa và Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc đồng tổ chức, giới chuyên gia do Trung Quốc giật dây cho rằng Mỹ nên ngừng can thiệp vào vấn đề biển Đông để duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc theo lộ trình đúng đắn vì Mỹ không phải là một bên trực tiếp liên quan.

Phán quyết của PCA có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng

Theo TTXVN, mới đây nhật báo Halo noviny của Cộng hòa Czech đăng bài có nội dung thể hiện quan điểm sai trái của Trung Quốc về tình hình biển Đông ngay sau phán quyết của PCA. Ngay lập tức, ông Marcel Winter, Chủ tịch Hội Czech - Việt, đã có bài phản bác đăng trên trang web của hội.

Ông Marcel Winter cho rằng bài viết trên tờ Halo noviny hoàn toàn thể hiện quan điểm thiếu khách quan và vô căn cứ của phía Trung Quốc, định hướng phiến diện và hoàn toàn phủ nhận tínhhợp pháp của phán quyết này; vì Việt Nam, Philippines, Malaysia muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, chứ không phải bằng biện pháp quân sự, nên mới có vụ kiện Trung Quốc ra PCA. Ông Marcel Winter nêu rõ việc khẳng định luận điểm cho rằng các nước không được phép kiện tại PCA nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc là điều vô lý. Ông nhấn mạnh các quốc gia có chủ quyền đều có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế bởi họ không phải là thuộc địa của Trung Quốc. Theo ông Marcel Winter, nhiều nước trong đó có Mỹ và Nhật Bản phản đối việc Trung Quốc có những hành động quân sự theo tư tưởng bành trướng bá quyền và xây các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về phần mình, ông Marcel Winter một lần nữa khẳng định ông tiếp tục ủng hộ những tuyên bố chủ quyền hợp pháp và chính đáng của Việt Nam ở biển Đông.

Trong khi đó, Tiến sĩ Greg Raymond, Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và Chiến lược, Trường Coral Bell về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, Đại học quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc hiện đang bị cô lập hơn và yêu sách của họ bị yếu thế rất nhiều cả về phương diện đạo đức lẫn pháp lý. Vì vậy, bất chấp Bắc Kinh có phản đối nhiều đến mức nào đi nữa, thì phán quyết của PCA vẫn có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng.


VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục