Thêm 300.000m³ nước sạch cung cấp cho nhân dân TPHCM

Thêm 300.000m³ nước sạch cung cấp cho nhân dân TPHCM

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn

Ngày 21- 8 tới đây, tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn III.

Dự án xã hội hóa quy mô lớn

Đây là một trong những dự án cấp nước có quy mô lớn của SAWACO được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với sự góp vốn của 3 cổ đông gồm: SAWACO - Công ty CP Cơ Điện lạnh (REE) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (WASECO), thành lập Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (gọi tắt là SWIC) với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng (trong đó SAWACO chiếm 60% cổ phần).

Hệ thống bể lắng lọc được xây kín để giữ chất lượng nước được đảm bảo.

Dự án Mở rộng Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn III (gọi tắt Nhà máy Nước Thủ Đức III) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) làm chủ đầu tư có công suất 300.000m³/ngày thuộc loại công trình cấp I, nhóm A, được khởi công xây dựng vào ngày 9-4-2013.

Theo quyết định phê duyệt, Dự án Nhà máy Nước Thủ Đức III có tổng mức đầu tư là 1.272 tỷ đồng, trong đó: vốn đối ứng của SWIC chiếm tỷ lệ 12,5%, phần còn lại là vốn vay của Tổ hợp Ngân hàng Commerzbank - AKA (CHLB Đức) là 66,5% và vốn vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 21%.

Khối văn phòng của nhà máy đã đưa vào hoạt động.

Về quy mô, Nhà máy Nước Thủ Đức III gồm các hạng mục chính: Công trình thu và trạm bơm I có diện tích 1,3ha tọa lạc trong khuôn viên Trạm bơm nước thô Hóa An (thuộc xã Hóa An - Tỉnh Đồng Nai); Khu xử lý được xây dựng trong khuôn viên Nhà máy Nước Thủ Đức với diện tích 2,8ha (thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM).

Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng (EPC) là tổ hợp nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 01 (CC1) và Công ty PASSAVANT Energy & Environment (CHLB Đức) thực hiện. Tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật và giám sát Dự án là Liên danh Nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn xây dựng MeinHardt Việt Nam và Công ty CP Nước, Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật Sài Gòn (SaiGonWeico). Nguồn nước được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai.

Có thể nói, Dự án Nhà máy Nước Thủ Đức III là dự án cấp nước lớn đầu tiên của TPHCM áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến của CHLB Đức. Do vậy, trong thời gian 3 tháng đầu của việc vận hành, nhà máy sẽ được các chuyên gia của Nhà thầu Passavant từ CHLB Đức sang trực tiếp điều hành và cân chỉnh quy trình công nghệ đảm bảo đạt hiệu suất cao. Song song đó, Nhà thầu cũng sẽ tiến hành thực hiện quy trình đào tạo công nhân vận hành, chuyển giao công nghệ cho Chủ đầu tư đưa vào vận hành với công suất thiết kế là 300.000m³/ngày.

Đánh dấu quá trình phát triển bền vững

“Với việc sử dụng các thiết bị hiện đại và chất lượng của CHLB Đức, khi Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, thực hiện đúng quy hoạch và định hướng của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống cấp nước của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025”, một lãnh đạo ngành cấp nước TPHCM đánh giá.

Đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của Nhà máy Nước Thủ Đức III.

Sawaco là một trong những cổ đông sáng lập và có tỷ lệ cổ phần lớn nhất trong Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn. Có thể nói, sự ra đời của SWIC thể hiện sự chủ động của SAWACO trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi đầu tư phát triển ngành nước, nhằm thực hiện đồng bộ quy hoạch của ngành cấp nước với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Trong thời gian qua và nhất là giai đoạn 10 năm từ khi thành lập Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tới nay, hàng loạt nhà máy cấp nước đã ra đời. Sau Nhà máy Nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày), tiếp đến là Nhà máy Nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000m³/ ngày), rồi Nhà máy Nước Kênh Đông (công suất 150.000m3/ngày) và nay là Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn III, công suất 300.000 m³/ngày.

Sắp tới đây là Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 (công suất 300.000m³/ngày) dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Sự ra đời của các nhà máy cấp nước, với mô hình xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, đã góp phần nâng nhanh công suất phát nước của ngành cấp nước TPHCM, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho thành phố trong hiện tại và tương lai. Mặt khác cũng đánh dấu một quá trình phát triển nhanh, bền vững của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, chứng minh năng lực của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đủ sức xây dựng các công trình cấp nước quy mô lớn với công nghệ hiện đại tiên tiến.

 Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn III hoàn thành và tới khi đi vào hoạt động, SAWACO sẽ tiếp nhận nguồn nước này để bổ sung và nâng sản lượng nước cung cấp của Tổng Công ty lên 1.800.000m³/ngày. Như vậy, sẽ tăng thêm lưu lượng và áp lực nước để phục vụ cho các quận: Thủ Đức (gồm các phường: Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình, Bình Chiểu, Linh Đông); Bình Thạnh (gồm các phường: 5, 6, 7, 11, 12, 13); Phú Nhuận, Gò Vấp (gồm các phường: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 17), một phần quận 1, quận 3 và quận Tân Bình, đồng thời tăng được áp lực nước cho các vùng sâu vùng xa cuối nguồn, góp phần thực hiện Nghị quyết 28 của Hội đồng Nhân dân thành phố: 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (có kiểm soát).
 Khu xử lý nước sạch được xây dựng cụm xử lý mới đạt công suất nước sạch 300.000m3/ngày bao gồm: Dây chuyền xử lý (cụm trộn thủy lực - phản ứng cơ khí - lắng trọng lực tải trọng cao - lọc nhanh - về bể chứa hiện hữu); xây dựng trạm bơm nước sạch, nhà hóa chất và các hạng mục phụ trợ khác phục vụ công suất 600.000m³/ngày. Lắp đặt thiết bị đạt công suất 300.000m³/ngày. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế; Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy nhà và công trình - yêu cầu kỹ thuật; Tiêu chuẩn thiết kế, cấp nước - mạng lưới bên ngoài và công trình; Tiêu chuẩn thiết kế, thoát nước - mạng lưới bên ngoài và công trình; Tiêu chuẩn nước ăn uống của EU; Quy định về tiêu chuẩn nước ăn uống của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

ĐINH GIA ANH

Tin cùng chuyên mục