Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Ấn Độ đến Bangladesh

Thêm bạn, bớt thù, tăng sức cạnh tranh

Ngày 6-9, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Bangladesh. Chuyến thăm lần đầu tiên sau 40 năm của một thủ tướng thuộc đảng Quốc đại mở ra nhiều hy vọng thắt chặt quan hệ song phương giữa hai quốc gia Nam Á vốn có nhiều mâu thuẫn.
Thêm bạn, bớt thù, tăng sức cạnh tranh

Ngày 6-9, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Bangladesh. Chuyến thăm lần đầu tiên sau 40 năm của một thủ tướng thuộc đảng Quốc đại mở ra nhiều hy vọng thắt chặt quan hệ song phương giữa hai quốc gia Nam Á vốn có nhiều mâu thuẫn.

  • Chia sẻ lợi ích

Trong chuyến thăm của ông Manmohan Singh đến thủ đô Dhaka lần này, cả hai bên mong muốn sẽ có những thỏa thuận cụ thể để chấm dứt tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập niên qua. Bên cạnh đó là hợp tác chia sẻ nguồn nước từ sông Teesta cho người dân nghèo đói, thiếu nước trầm trọng ở các quận Tây Bắc Bangladesh.

Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự cản trở gay gắt của Thủ hiến bang Tây Bengal, Ấn Độ, bà Mamata Banerjee. Tây Bengal là bang có diện tích tiếp giáp nhiều nhất với Bangladesh. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định: “Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng cho sự hợp tác và củng cố quan hệ với Bangladesh trong mục tiêu lâu dài là phát triển bền vững khu vực Đông Bắc Ấn Độ”.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (trái) đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, đến thăm thủ đô Dhaka. Ảnh: AFP

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (trái) đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, đến thăm thủ đô Dhaka. Ảnh: AFP

Đầu năm, Ấn Độ và Bangladesh đã ký 5 hiệp định hợp tác, trong đó có 3 hiệp định an ninh (gồm hợp tác chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức và chống buôn bán ma túy), 1 hiệp định trao đổi văn hóa và 1 hiệp định cung cấp điện. Các hiệp định trên được ký tại New Delhi nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.

Vào thời điểm này năm ngoái, Ấn Độ đã ký kết khoản viện trợ trị giá 1 tỷ USD cho Bangladesh để thực hiện các dự án đường bộ, đường sắt và nạo vét sông hồ. Đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà New Delhi dành cho một quốc gia đối tác.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, theo đó Ấn Độ tăng 25% lượng hàng dệt may nhập khẩu từ Bangladesh và miễn thuế hải quan đối với các mặt hàng đay xuất khẩu của nước này. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Annad Sharma cho biết nước này sẵn sàng đầu tư 3,5 tỷ USD vào khu vực tư nhân của Bangladesh nhằm giúp quốc gia láng giềng tạo thêm việc làm, tăng giá trị xuất khẩu.

Ấn Độ, quốc gia thuộc nhóm BRICS (các nền kinh tế lớn mới nổi) đang ra sức thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc (cũng thuộc BRICS), đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh hiện nay.

  • Gạt bỏ mâu thuẫn

Năm 1971, Bangladesh giành được độc lập. Mối bang giao giữa Ấn Độ và Bangladesh vốn bị cản trở trong nhiều năm vì sự không tin tưởng và giao tranh liên tục xảy ra ở khu vực biên giới.

Ngoại trưởng Dipu Moni phát biểu trước báo giới khẳng định chuyến thăm của ông Manmohan Singh mang tính lịch sử. Hai bên sẽ ký kết hiệp ước chủ chốt để thỏa thuận về việc sử dụng đường biên giới trải dài đến 4.000km giữa hai nước.

Bộ Nội vụ Bangladesh cho biết, giao tranh tại đây liên tục cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Vì thế, nội dung quan trọng của hiệp định được ký kết lần này là thiết lập những khu vực sinh sống ổn định gồm 111 điểm thuộc phần diện tích 7.000ha sát biên giới và 51 điểm ở Bangladesh cho khoảng 51.000 người dân.

Theo đó, những người này sẽ được quyền lựa chọn là công dân của Ấn Độ hay Bangladesh, chấm dứt cuộc sống tạm bợ trên các đảo nhỏ của Ấn Độ hoặc Bangladesh gần khu vực biên giới mà không được công nhận là công dân của nước nào. Jober Ali, một công dân sống ở làng Votbari, thuộc một góc nhỏ của Ấn Độ, bao quanh là lãnh thổ Bangladesh, cho biết: “Chúng tôi không có quốc gia. Chúng tôi không được thừa nhận. Không ai quan tâm đến chúng tôi cả”.

Đây là những nỗ lực của cả hai quốc gia khi chỉ 2 tháng trước đó, Ấn Độ vẫn không dành thiện cảm cho người Bangladesh. Đầu tháng 7, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có phát biểu bất cẩn với việc nhận định phải liệt ít nhất 25% dân số Bangladesh vào danh sách những người chống Ấn Độ và cho rằng những người này nhiều lần bị tình báo của Pakistan thao túng. Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cũng đã đưa lại lời phát biểu nhạy cảm trên lên trang tin chính thức của mình. Bangladesh đã triệu Đại sứ Ấn Độ ở thủ đô Dhaka tới để phản đối phát biểu trên của ông Manmohan Singh. Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó phải xin lỗi. 

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục