Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Sở Công thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của TPHCM tăng 7,9% so năm 2016, cao hơn mức tăng cùng kỳ (năm 2016 tăng 7,25%); trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 13,9%. Sản xuất công nghiệp đang thể hiện tính ổn định cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: chỉ số IIP lũy kế tăng dần trong năm 2017. Nếu như 3 tháng đầu năm tăng 6,02% thì 6 tháng tăng 7,51%, 9 tháng tăng 7,84% và cả năm 2017 tăng 7,9%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP, cho biết để đạt được kết quả tích cực như trên, năm 2017, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đến trực tiếp các DN để nắm bắt và giải quyết các khó khăn; kết nối DN với các ngân hàng thương mại, hỗ trợ DN tham gia các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố; kết nối các DN trong nước với các DN FDI...
Trong các hoạt động kết nối, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nhằm tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của các DN FDI đang hoạt động trong Khu Công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương) cũng đẩy mạnh việc kết nối DN công nghiệp hỗ trợ thành phố với các doanh nghiệp FDI theo chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”. Chương trình gồm các hội nghị kết nối giao thương giữa hàng trăm DN thành phố với các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, EU... Qua đó, DN FDI sẽ chọn ra các nhà cung ứng tiềm năng để tiến hành khảo sát và hướng tới hợp tác.
Song song đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn phối hợp với Tập đoàn Samsung tìm kiếm những DN tiềm năng tham gia chương trình cải tiến được Samsung thực hiện trong vòng 3 tháng nhằm nâng cao năng lực và năng suất lao động cho các DN, hướng tới là nhà cung ứng cho Samsung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số các DN được chọn tham gia chương trình có nhiều DN bước đầu tham gia được vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho Samsung như Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên…
Nhiều dư địa phát triển
Nhận định về triển vọng phát triển của các DN ngành công nghiệp trong năm 2018, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết từ sự hỗ trợ của thành phố cũng như khả năng nắm bắt cơ hội của các DN, hiện nay, nhiều DN sản xuất công nghiệp thành phố đã và đang chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài việc đầu tư mở rộng sản xuất còn bắt đầu chú trọng việc nâng cao hiệu suất chất lượng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, đặc biệt là ngành điện tử và ô tô.
Để các DN có nguồn vốn duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất, Sở Công thương là một trong các đầu mối kết nối các ngân hàng trên địa bàn với DN. Đến nay, đã có 15.778 khách hàng vay vốn chương trình, dư nợ đạt 302.989 tỷ đồng. Riêng 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất chỉ phổ biến ở mức 6% - 6,5%/năm. Bên cạnh đó, trong năm 2017, thành phố đã ban hành Quyết định 15 về chính sách hỗ trợ vốn riêng cho DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất. Theo đó, mỗi DN có thể được hỗ trợ vốn vay đến 200 tỷ đồng/dự án, thời gian tối đa lên tới 7 năm. Tính đến nay, đã có 3/11 dự án được duyệt hỗ trợ đầu tư với tổng vốn trên 200 tỷ đồng…
Sở Công thương dự báo, lĩnh vực công nghiệp cơ khí thành phố trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển trong một số phân ngành sản xuất, ví dụ: ngành ô tô trong giai đoạn tới còn nhiều tiềm năng phát triển do định hướng thị trường của hãng xe Mercedes dự kiến tập trung sản xuất tại Việt Nam để phân phối cho thị trường ASEAN, cũng như việc gia nhập thị trường của Daehan Motors, Vĩnh Phát Motors, SAMCO… sẽ góp phần giúp công nghiệp ô tô thành phố phát triển.
Cùng với đó, ngành chế tạo khuôn mẫu với việc các DN trong nước ngày càng chú trọng đến việc phát triển thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhiều DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại như Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Lập Phúc, IMECO… cho thấy tiềm năng của ngành khuôn mẫu còn dư địa phát triển.
Đón đầu cơ hội này, trong tháng 11-2017, có 4 dự án công nghiệp hỗ trợ đã được Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư gồm: Công ty cổ phần Echigo Việt Nam (đầu tư dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm và chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao); Công ty TNHH Cơ khí chính xác THT (thực hiện dự án nghiên cứu, sản xuất thiết bị và chi tiết cơ khí chính xác trong các máy móc và động cơ công nghệ cao, vốn đầu tư hơn 12 triệu USD); Công ty cổ phần Công nghiệp APC (phát triển dự án sản xuất lắp ráp thiết bị phụ trợ công nghệ cao, gồm mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện, vốn đầu tư 7,5 triệu USD) và Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (đầu tư nhà máy chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác có vốn hơn 5,2 triệu USD).
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị đăng ký điều chỉnh bổ sung vào danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Đây cũng là cơ hội, cơ sở để các DN trong nước yên tâm mở rộng đầu tư, sản xuất.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, trong năm 2018, Sở Công thương sẽ tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp khảo sát để nắm bắt nhu cầu của DN. Từ đó, đề xuất UBND thành phố giao Sở Công thương đầu tư thành lập phân khu sản xuất công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cho các DN đầu cuối trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.