Bắt đầu từ tháng 5 - 2015, vào mỗi tối thứ sáu cuối cùng hàng tháng, kênh truyền hình vệ tinh K+1 sẽ mở ra khung giờ vàng phim điện ảnh Việt. Cũng từ đây, truyền hình số vệ tinh K+ (VSTV) sẽ hợp tác với các hãng phim lớn trong nước để sản xuất và đưa các bộ phim điện ảnh chiếu rạp phục vụ khán giả truyền hình ngay tại nhà (sau khi phim ra rạp 4 tháng).
Giờ đây, thông qua kênh truyền hình, các nhà sản xuất phim điện ảnh trong nước đã có thêm cơ hội để phim đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn; thay vì sau một đến hai lượt chiếu rạp, phim ấy kể như “xếp kho”, không biết khi nào mới có thể chiếu lại.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất phim trong nước cũng đừng vội mừng vì không phải phim điện ảnh Việt nào cũng có thể dễ dàng lên khung giờ này. Theo đúng tiêu chí của lãnh đạo kênh truyền hình K+: “Phim được chọn không chỉ có nội dung phù hợp, mà còn phải đạt đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật (hình ảnh, âm thanh)”. Nói như thế có nghĩa, những bộ phim làm theo kiểu dễ dãi, chạy theo thị hiếu, thị trường sẽ khó có “cửa” “tái xuất” trên truyền hình K+. Cũng nằm trong chiến lược tạo uy tín với khách hàng của mình về chất lượng những bộ phim điện ảnh Việt phát sóng, kênh K+ còn tham gia đầu tư sản xuất phim điện ảnh cùng với các nhà sản xuất phim tại Việt Nam với mức đầu tư từ 15% đến 25% trong tổng kinh phí sản xuất phim.
Hai bộ phim đầu tiên có sự tham gia đầu tư từ phía K+ là Bộ ba rắc rối và Quyên. Như vậy, hai đơn vị đầu tiên được K+ chọn là đối tác chiến lược trong dự án này là hai công ty vừa có chức năng sản xuất phim, vừa là nhà phát hành phim lớn tại thị trường rạp chiếu phim ở Việt Nam: Công ty BHD (Việt Nam) và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc). Có thể nhận thấy rõ, việc hợp tác này tạo ra một vòng tròn khép kín từ khi bộ phim được đưa vào sản xuất, đến khi ra rạp và cuối cùng là lên sóng truyền hình. Lãnh đạo K+ cho biết, họ sẽ tiếp tục tìm chọn những đối tác khác, nhằm tạo ra sự phong phú cho mặt bằng phim phát sóng và cho đội ngũ làm nghề tại Việt Nam.
Khi “Thế giới điện ảnh trên K+” được mở ra, các nhà sản xuất phim Việt có thêm cơ hội trong việc đầu tư làm phim và đưa phim đến với khán giả. Việc K+ khắt khe ngay từ khâu chọn dự án, đầu tư sản xuất đã buộc các nhà sản xuất phim có ý thức để chỉn chu hơn, các đạo diễn có thêm động lực để sáng tạo nhiều hơn. Không dám đặt kỳ vọng quá nhiều, song sự xuất hiện của “Thế giới điện ảnh trên K+” vào thời điểm mà phim Việt đối diện với nhiều rủi ro khi ra rạp, thì việc tìm được “kênh” chính thống để kéo dài thêm “tuổi thọ” cho một bộ phim, âu cũng là điều đáng mừng.
NHƯ HOA