Thêm cơn bão mới

Hình thành ở khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, tính đến chiều tối qua (1-10), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tồn tại ở bên ngoài vùng biển Trung bộ đã đi vòng lên phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa và có xu hướng di chuyển chậm về phía Đông.

(SGGP). – Hình thành ở khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, tính đến chiều tối qua (1-10), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tồn tại ở bên ngoài vùng biển Trung bộ đã đi vòng lên phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa và có xu hướng di chuyển chậm về phía Đông.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, chiều qua vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,9 độ vĩ Bắc; 114,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (tức từ 39 đến 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km, có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Thời tiết các tỉnh Trung bộ và Nam bộ đang chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi ATNĐ trên.

Do ATNĐ di chuyển chậm về phía Đông nên gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh khống chế thời tiết các tỉnh Nam bộ. Vì vậy, tại TPHCM sẽ tiếp tục có mưa rào mạnh, nhiều nơi mưa vừa, mưa to trong ngày 2-10. Mưa ở Nam bộ còn kéo dài thêm 2 - 3 ngày nữa.

Trên các vùng biển ngoài khơi của Nam bộ trời nhiều mây, mưa rào. Vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động.

Thực hiện công điện của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, hôm qua các địa phương ở miền Trung đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền trên biển vào nơi trú ẩn để tránh thiệt hại do ATNĐ gây ra. Đến trưa 1-10, các địa phương ở miền Trung (Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận) đã thông báo và hướng dẫn cho 23.010 tàu với 129.818 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 544 tàu với 8.296 người nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa là 121 tàu với 1.394 người, khu vực quần đảo Trường Sa 423 tàu với 6.902 người.

Trong khi ATNĐ đang di chuyển chậm ở biển Đông thì chiều qua (1-10), theo thông tin từ các đài khí tượng khu vực châu Á, ngoài khơi Thái Bình Dương vừa xuất hiện thêm một cơn bão mới có tên quốc tế Maliksi, đang mạnh dần lên và di chuyển nhanh với tốc độ 20km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc. Dự báo, bão Maliksi có thể đi sát vào khu vực biển Đông trong vài ngày nữa.  

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục