Thêm hiện đại, nhiều xa cách

Mấy câu chuyện mà tác giả bài viết này kể dưới đây, có thể tìm thấy ở rất nhiều gia đình Việt. Mọi chuyện tưởng không có gì, nhưng chuyện nhỏ sẽ không nhỏ nếu nó liên tục đến mức thành nếp nghĩ, cách làm trong mỗi gia đình.

“Con ăn cơm tối chưa?”.

“Xong rồi mẹ. Hôm nay mẹ nhớ nhắn chú sửa cái đèn bàn giùm con nha”. 

Đây là đoạn tin nhắn của hai mẹ con chị Hà, vào một buổi tối bình thường như bao nhiêu buổi khác. Đọc qua, cứ ngỡ chị Hà đang đi công tác, nên mới hỏi han con qua điện thoại như thế. Nếu biết rằng, lúc đó con gái chị Hà đang dưới nhà bếp, và mẹ của nó thì ở trong phòng trên lầu, chắc ai cũng phải ngạc nhiên, thậm chí là bật cười.

Thế nhưng, cảnh ấy có phải là cá biệt, chỉ của riêng nhà chị Hà? Bạn thử nhớ lại xem, có phải dạo sau này, mình cũng thường xuyên giao tiếp với chồng con, ba mẹ qua các tin nhắn, cuộc gọi? Dù lắm khi tất cả đang ở cùng nhà, nhưng vì lười nói chuyện với nhau nên cứ chát chít cho tiện. Có lạ lẫm lắm không cảnh hai chị em cùng vào bình luận một bài đăng nào đó trên mạng xã hội, tranh luận qua lại, mà thực tế lại đang ngồi đối diện nhau trên bộ sofa ở phòng khách nhà mình?

Nhiều gia đình tạo các group (nhóm) trên Zalo, Viber để tiện dặn dò các thứ với nhau. Kiểu như, hôm nay ba về trễ, mẹ không nấu cơm nhé, cả nhà tự ăn tiệm hoặc úp mì ăn đi. Con được nghỉ học thêm, đang đi nhà sách… Đại khái thế. So với trước đây, quả thực là nhanh gọn hơn nhiều. Thoạt đầu trông cũng rất ổn, ứng dụng công nghệ đỡ mất thời gian và chi phí nữa. Nhưng càng về sau, càng ít hẳn thói quen nói chuyện trực tiếp với nhau. Có gì cũng nhắn vào group, vui buồn hờn giận gì đã có icon (biểu tượng) mặt cười, mặt khóc, thả haha này nọ. Rồi thì sinh nhật cũng chúc trên đó, bánh kem, quà tặng dần trở thành ảo hết. Ba mẹ lì xì con bằng cách chuyển khoản. Bạn chắc từng khó tin với khái niệm “chuyển khoản phúng điếu” hay “đi chùa online”, phải không nào? 

Nhiều nhà, ba mẹ đầu tư thêm cho con cái máy tính xách tay để làm phương tiện học hành. Giờ thì ai cũng sở hữu món đồ công nghệ ấy, nên cũng “số hóa” như người ta chứ chẳng đùa! Mẹ quản lý chi tiêu bằng file bảng tính, dẫn link cho cả nhà cập nhật mỗi khi phát sinh tiêu xài. Rồi kế hoạch của gia đình, những dự định lớn nhỏ cũng được công khai bằng đường dẫn Google drive nhiều chức năng. Thay vì xưa kia ghi bảng dặn việc con, thì nay ghim tin quan trọng lên đầu nhóm chat. “Con có tín hiệu đã xem rồi, tại sao lại lơ đi, chưa thực hiện?”. Lời chất vấn ấy, cũng bằng câu chữ vô hồn… 

Ông bà nội ngoại có khi được con cháu cập nhật để có thể hí húi bấm vài chữ tiếng Việt có dấu trên cái bàn phím cảm ứng bé xíu. Hoặc nếu chậm tiếp thu, sẽ có nguy cơ trở nên lạc lõng trong cái không khí lặng thinh biếng chuyện của mọi người, bởi ai nấy cắm cúi vào cái màn hình, thi thoảng tự cười tự nhíu mày tự lẩm bẩm với các quan tâm hỉ nộ ái ố của riêng mình. 

Thế giới ngày càng phẳng, người ta ưa thích việc trở thành cư dân mạng, vô thức rời khỏi nơi mình thật sự thuộc về. Rồi sẽ có lúc bạn nhận ra mình đang dần thu hẹp tâm tư của bản thân, ít trao đổi ngoài đời thực, mỗi người “núp” vào một thế giới riêng, cô độc. Bao lâu rồi mình không nghe thấy giọng nói của người thân tỉ tê to nhỏ? Nắm lấy bàn tay mẹ? Quàng vai đứa em ruột rà? Mua cho nhau món quà nhỏ mà không sử dụng dịch vụ online, chuyển phát, giao nhận bằng dịch vụ? Một thứ gì đó thủ công, tự tay lựa chọn, tự mình viết thiệp, khệ nệ mang về bày ở bàn bếp… đã trở thành xa xỉ và vô bổ, thật sao?

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của công nghệ, của “số hóa” trong gia đình. Nhưng nếu lạm dụng, nếu quên điều chỉnh, nếu cứ hào hứng vút theo những sự vội vàng rất nhanh đến nhanh đi ấy, lắm khi ta lại vô tình bỏ rơi nhau trong cái sự hiện đại như thế này.

Có đi dự mấy phiên tòa ly hôn mới thấy, không ít những vụ cự cãi, giận hờn rồi chia tay cũng đến từ… chiếc điện thoại. Nhưng, đừng đổ lỗi cho chiếc điện thoại, mọi chuyện đều do con người mà ra. Các giềng mối trong gia đình bị tổn hao, là do đến từ hai phía. 

Tin cùng chuyên mục