Thêm mái ấm cho trẻ khuyết tật

Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật ngoài công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, mang tên Hồng Sơn, vừa được khởi công xây dựng tại thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành), do nhiều mạnh thường quân ở TPHCM chung tay góp vốn, góp phần chăm sóc những người thiệt thòi trong xã hội.
Thêm mái ấm cho trẻ khuyết tật

Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật ngoài công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, mang tên Hồng Sơn, vừa được khởi công xây dựng tại thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành), do nhiều mạnh thường quân ở TPHCM chung tay góp vốn, góp phần chăm sóc những người thiệt thòi trong xã hội.

Theo thống kê của Sở LĐTB-XH, hiện tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 45.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có hơn 9.100 trẻ em, nhưng mới chỉ có 4 cơ sở chuyên biệt dạy nghề công lập xen ghép tại các trường hoặc được xây dựng riêng tại các huyện. Vì vậy, nhu cầu được học nghề của NKT là rất lớn. Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Giới thiệu việc làm - Xuất khẩu lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi) cho hay, nhu cầu việc làm của NKT rất cao, tuy nhiên, hàng năm có rất ít NKT đến đăng ký tìm việc làm. Nguyên nhân cũng có phần do tay nghề, trình độ yếu và nhu cầu tuyển NKT còn ít. Thông thường, NKT tự học nghề tại nhà hoặc tại các cơ sở nhỏ, sau đó nhờ người quen biết xin việc làm, cho dù thu nhập thấp nhưng tâm lý vẫn muốn gắn bó làm việc lâu dài.

Lễ động thổ xây dựng Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Hồng Sơn.

Lễ động thổ xây dựng Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Hồng Sơn.

Hiểu được nhu cầu đó, góp phần chia sẻ với tỉnh Quảng Ngãi trong việc chăm sức khỏe cho trẻ em khuyết tật nghèo, giáo dục hướng nghiệp để các em có cuộc sống tốt đẹp, hòa nhập với cộng đồng, đồng thời cũng để cho các tấm lòng nhân ái phát tâm làm việc thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, Cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hồng Sơn được thành lập với sự đóng góp của các nhà tài trợ: Công ty CP Điện lạnh REE, Công ty TNHH Thế giới Kỹ thuật, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, gia đình bà Phạm Thị Lào… cùng nhiều cá nhân khác.

Theo thông báo, bước đầu cơ sở sẽ tiếp nhận khoảng 100 em bị khiếm thị và khiếm thính từ 12 đến 17 tuổi, ưu tiên những gia đình nghèo. Các em sẽ được nuôi dưỡng theo hình thức tập trung và được tạo mọi điều kiện cho các em ăn ở, sinh hoạt trong một ngôi nhà, giống như anh chị em trong mái ấm gia đình. Các em cũng sẽ được học văn hóa theo từng độ tuổi. Trường hợp học khá giỏi các em được tiếp tục học cao hơn thì cơ sở sẽ có kế hoạch tài trợ học phí và sau đó giới thiệu việc làm cho các em. Ngoài ra, các em còn được tham gia các lớp dạy nghề (tùy theo khả năng và sức khỏe) như: vi tính, chế biến thực phẩm, may thêu, phần mềm, cơ khí, thủ công thiết kế… Sau những khóa học, có thể tham gia sản xuất, những sản phẩm làm ra sẽ được trả công và nguồn thu nhập từ những sản phẩm mình làm ra để bù đắp cho quá trình sản xuất và tái chăm lo đời sống cho các em.

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Hồng Sơn: “Các gia đình có các em khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc các em. Trẻ em khuyết tật là những trẻ thiệt thòi và yếu thế nhất trong xã hội. Chính vì thế, cơ sở này ra đời nhằm tạo điều kiện để các em khuyết tật khiếm thị và khiếm thính có được môi trường sống, học tập và sinh hoạt tốt nhất”.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục