Thêm một cánh cửa bước vào Truyện Kiều

Hàng trăm năm qua, kể từ khi Truyện Kiều hiện diện trong đời sống xã hội, đến nay, tác phẩm đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và vẫn luôn là chất liệu hấp dẫn cho hậu thế sáng tạo. Truyện Kiều tự kể (NXB Kim Đồng) của nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên được xuất bản gần đây là một tác phẩm như vậy. 
Ngoài ý tưởng độc đáo, Truyện Kiều tự kể còn “ghi điểm” bởi những bức tranh của 12 họa sĩ
Ngoài ý tưởng độc đáo, Truyện Kiều tự kể còn “ghi điểm” bởi những bức tranh của 12 họa sĩ

Với những ai đã đọc Truyện Kiều hẳn không xa lạ với những nhân vật như: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hoạn Thư… Có điều, các nhân vật này được hiện lên qua ngòi bút tài tình của đại thi hào Nguyễn Du. Với ý tưởng mỗi nhân vật, dù thiện hay ác đều có những suy tư riêng, đều có những lý lẽ để biện bạch cho riêng mình, nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên đã để những nhân vật tự lên tiếng, tự giãi bày về chính cuộc đời mình. Đọc Truyện Kiều tự kể, bạn đọc phần nào có thể hiểu và cảm thông với Thúy Vân trong câu chuyện nối duyên thay chị, hay vì sao Kim Trọng đã không đi tìm Thúy Kiều khi nàng phải bán mình chuộc cha… 

Là một tác giả thuộc thế hệ 9X, theo chia sẻ của Cao Nguyệt Nguyên, khi hóa thân vào các nhân vật trong Truyện Kiều, bên cạnh việc thấu hiểu nhân vật, chị còn thể hiện cái nhìn thời đại của riêng mình vào nhân vật. Họ được bung ra với ngàn vạn suy nghĩ mới mẻ, họ được sống thật với chính mình. Họ bước ra đời thực ở thời đại này bằng những con người thực, có yêu ghét, có giận hờn, có tính toán thiệt hơn. “Điều tôi lo lắng nhất khi viết Truyện Kiều tự kể là mình có truyền tải được hết tất cả những điều mình mong muốn hay không, có đưa được cái nhìn mới mẻ vào nhân vật không”, Cao Nguyệt Nguyên chia sẻ.

Cao Nguyệt Nguyên là cây bút thuộc thế hệ 9X. Trước Truyện Kiều tự kể, chị đã ra mắt nhiều tác phẩm như: Trăng màu hổ phách (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015), Chuột Chi Hô lên thành phố (NXB Mỹ Thuật, 2016), A lê hấp - Ké Xanh (NXB Thanh Niên, 2017), Nguyện của đêm (NXB Trẻ, 2018). Khác với các tác phẩm trước, với Truyện Kiều tự kể lần này, cùng lúc Cao Nguyệt Nguyên phải hóa thân vào 12 nhân vật với 12 tính cách, số phận khác nhau. Chị tâm sự: “Hóa thân vào nhân vật chưa bao giờ là dễ, hơn nữa lại là 12 nhân vật, 12 tính cách khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ đó là những trải nghiệm tuyệt vời, một cơ hội đối với người viết. Đôi khi thách thức giúp người ta trưởng thành hơn; còn với người viết, bạn được bồi đắp rất nhiều ở tâm hồn, sự phong phú và cảm xúc”.

Theo chia sẻ của Cao Nguyệt Nguyên, chị mất hơn một năm để thực hiện tác phẩm Truyện Kiều tự kể, đó cũng là chừng ấy thời gian chị đắm đuối vào các nhân vật của mình, cùng thao thức, trăn trở với biết bao nỗi niềm của họ. Với mỗi nhân vật, chị mất hàng tuần để sống trọn vẹn với họ và sau đó, khi sang một nhân vật khác, chị cũng mất một khoảng thời gian để “xả” vai. “Tôi nghĩ, không được vội khi hóa thân vào nhân vật. Như khi làm quen một ai đó, ta phải dành thời gian để hiểu họ, lắng nghe họ. Thực sự khi hóa thân vào các nhân vật phải khá dụng công. Hơn nữa, phải có sáng tạo, có cá tính của riêng mình, đặc biệt là cái nhìn của một người trẻ thuộc thế hệ 9X”, Cao Nguyệt Nguyên cho biết.

Tin cùng chuyên mục