Thêm một đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc

(SGGP). – Ngay trong đợt rét đầu tiên của năm 2013, ở miền Bắc đã xảy ra băng giá ở cả Mẫu Sơn và Sa Pa, nhiệt độ giảm sâu, có nơi dưới 0°C. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho rằng bà con cần phải chủ động theo dõi những biến động về thời tiết để đảm bảo về sức khỏe, sắp xếp công việc làm ăn, học tập, sinh hoạt… một cách hợp lý mỗi khi có thời tiết xấu.

Ông Lê Thanh Hải cho biết: Trong vòng 7 - 10 ngày tới, mặc dù vẫn có các đợt không khí lạnh tăng cường xuống, vào các ngày 16 và 22-1, nhưng sẽ không có đợt rét hại nào nghiêm trọng như đợt vừa qua. Thời tiết hửng lên chút ít là cơ hội để bà con tranh thủ thúc đẩy sản xuất, khôi phục hoa màu, chăn nuôi đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường Tết Quý Tỵ. 

Dự báo cuối tháng 1-2013, sẽ có một đợt không khí lạnh cường độ khá mạnh “tấn công” miền Bắc, gây ra rét đậm rét hại trở lại trên diện rộng. Mẫu Sơn, Trùng Khánh, Sa Pa, Y Tý… có thể lại xảy ra băng giá. Còn mùa bão mới của năm 2013 thì phải từ tháng 3 - 4 sắp tới mới bắt đầu.
 Năm nay, Nam bộ sẽ không bị ảnh hưởng nặng bởi các đợt rét đậm rét hại tràn về miền Bắc. Mỗi lần có không khí lạnh mạnh tràn về, ở Nam bộ chỉ chuyển từ hình thái nóng sang mát mẻ. Về đêm và sáng hơi se lạnh. Đợt tới, nhiệt độ thấp nhất của Nam bộ cũng chỉ giảm xuống 17 - 18°C vào ban đêm. 

Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài và ảnh hưởng trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa ký công điện khẩn yêu cầu quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc, không để xảy ra thiệt hại nặng. Theo đó, công điện đã được gửi cho chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc các tỉnh ở Trung bộ và Tây Nguyên yêu cầu chủ động ban hành chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo. 

Hà Nội mở 200 điểm bán rau sạch, bán thấp hơn giá thị trường, là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đối với các Sở, ngành chức năng nhằm phục vụ nhân dân trên địa bàn Hà Nội về nhu cầu tiêu thụ rau và thực phẩm an toàn trong thời điểm giá cả rau xanh và thực phẩm đang tăng cao khi Tết Nguyên đán đang cận kề và rét đậm, rét hại đang diễn ra. Ngoài ra UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch tăng thêm 60 điểm bán rau an toàn lưu động tại 4 quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình; dự kiến sẽ tăng thêm 40 điểm bán rau an toàn cố định tại 4 quận này trong năm nay. 
 
Theo thông tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, hơn một tuần qua, nước mặn bắt đầu tiến sâu vào đất liền nhiều nơi ở ĐBSCL sớm và sâu hơn năm trước. Theo đó, độ mặn cao nhất trên hệ thống sông tại ĐBSCL đã đạt tới mức 8,2‰.

Cụ thể, trên sông Hậu, độ mặn đo được tại Đại Ngãi (cách cửa biển khoảng 40km) là 4,1‰; Long Phú (cách cửa biển khoảng 20km) là 7,6‰. Trên trên sông Cổ Chiên, độ mặn đo tại Hưng Mỹ (cách cửa biển khoảng 20km) là 4,1‰; tại Trà Vinh (cách cửa biển khoảng 30km) là 8,2‰ và Láng Thé (cách cửa biển khoảng 38km) là 4,1‰.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sớm vào sâu trong đất liền là do nước thượng nguồn xuống thấp, không đủ mạnh để đẩy ra, mặn cùng với đó, do triều cường lên cao kết hợp với tác động của gió mùa Đông Bắc.

Tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất lúa của người dân, nhất là các vùng ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Chính quyền các địa phương đã khuyến cáo người dân cần chủ động tiến hành tích trữ nước ngọt để sử dụng trong thời gian nước mặn xâm nhập; đối với sản xuất, người dân cần theo dõi thời điểm nước triều xuống, khi độ mặn giảm tới mức cho phép thì chủ động tích nước, lấy nước vào đồng.

Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1‰ là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4‰ thì cây lúa không sinh trưởng được và chết ngay.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục