Bà Merkel không phải là Thủ tướng đầu tiên của Đức bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại. Định kỳ, các “đại gia” của những tập đoàn công nghệ lớn phải giao cho Chính phủ Mỹ danh sách thông tin tài khoản khách hàng của mình. Đó là những tình tiết chấn động liên quan đến NSA mới được truyền thông phanh phui.
Hành vi ngu ngốc
Tháng 10-2013, ngay sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cáo buộc NSA do thám điện thoại của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một mực phủ nhận và nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ làm như thế. Nay, truyền thông Đức vừa đưa tin cựu Thủ tướng Gerhard Schroder của nước này từng bị tình báo Mỹ theo dõi dưới thời Tổng thống Mỹ G.Bush. NSA đã nghe lén điện thoại của ông từ hơn 10 năm trước, giai đoạn mà Mỹ và Đức bất đồng sâu sắc liên quan đến chiến dịch quân sự ở Iraq.
Báo Suddeutsche Zeitung và kênh truyền hình NDR của Đức dẫn thông tin từ nguồn tài liệu mà cựu nhân viên CIA Snowden cung cấp đã chỉ ra rằng việc theo dõi bắt đầu từ năm 2002. Đa số nội dung theo dõi mà tài liệu Snowden có được là nội dung chính trị, không phải nội dung cá nhân của ông Schroder. Tên của ông Gerhard Schroder xếp thứ 388 trong danh sách mật những yếu nhân cần được NSA theo dõi. Trả lời báo chí, ông Schroder nói rằng đây là điều ông chưa từng nghĩ đến vì quan hệ Mỹ - Đức từ trước đến nay vẫn được đánh giá là quan hệ đồng minh tốt đẹp. Không giống như bà Merkel là một “tín đồ” của công nghệ, ông Schroder không có điện thoại di động. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2005, ông cho biết thực hiện các cuộc gọi, trao đổi thông tin thông qua điện thoại di động của phụ tá. Có thể đây là chiếc điện thoại di động bị NSA nghe lén.
Caitlin Haydenm, người phát ngôn của NSA, từ chối bình luận về thông tin trên. Thông tin nhạy cảm được công bố trong khi các nhà ngoại giao Mỹ đang nỗ lực khôi phục lòng tin từ Đức. Trước đó, ngày 4-2, Đại sứ Mỹ tại Berlin, ông John B Emerson, phát biểu tại Hiệp hội Các nhà công nghiệp và thương mại Berlin (VBKI), đã “xoa dịu” rằng: “Chúng tôi đã có những hành vi ngu ngốc, trong đó có việc do thám điện thoại của bà Merkel”.
Những báo cáo định kỳ
Theo AP, ngày 5-2, lần đầu tiên các đại gia trong ngành công nghệ như Microsoft, Facebook, Google, Yahoo thừa nhận rằng cứ mỗi 6 tháng, các hãng này phải chuyển cho Chính phủ Mỹ danh sách người dùng. Việc công khai thừa nhận đã được Bộ Tư pháp Mỹ cho phép. Còn rất nhiều tên tuổi lớn như Twitter, LinkedIn… cũng trong tình trạng tương tự nhưng chưa được lên tiếng. Dưới áp lực của người dùng, các hãng trên đã phải thương thảo với các cơ quan chức năng liên bang trong việc cho phép các công ty này được công bố những thông tin nhất định liên quan đến các yêu cầu từ chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.
Phần lớn thông tin mà Chính phủ Mỹ cần là các thông tin về giao dịch trực tuyến hoặc địa điểm mà người dùng kết nối Internet. Điều này được thực hiện theo yêu cầu của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISA). Các công ty chỉ được tiết lộ họ nhận được bao nhiêu yêu cầu cung cấp thông tin trong mỗi 6 tháng và không được công khai chi tiết các yêu cầu. Trong đó, người dùng của Yahoo bị ảnh hưởng nhiều nhất. FISA yêu cầu Yahoo phải cung cấp nội dung liên lạc 30.000 - 30.999 tài khoản người dùng trong 6 tháng vừa qua. “Chỉ tiêu” mà FISA yêu cầu ngày càng tăng.
Với Google, con số này là 12.000 - 12.999 tài khoản. Với Microsoft, dao động 15.000 - 16.000 tài khoản. Facebook có “chỉ tiêu” 5.000 - 5.999 tài khoản. Luật sư Brad Smith của Microsoft trấn an khách hàng rằng chỉ một bộ phận nhỏ người dùng bị ảnh hưởng. Ông khẳng định Microsoft không bị yêu cầu cung cấp nhật ký điện thoại của khách hàng”. Tuy nhiên, Brad Smith cũng nhấn mạnh rằng: “Tổng thống Obama cam kết nỗ lực cải cách hoạt động thu thập thông tin cũng như các tập đoàn công nghệ muốn công khai để lấy lại lòng tin từ người dùng. Nhưng điều cốt lõi là Mỹ hay bất cứ chính phủ nào cũng sẽ không bao giờ từ bỏ ý muốn thâm nhập thông tin từ các công ty công nghệ hàng đầu để phục vụ cho hoạt động của mình”.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)