Theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời bình ổn giá

Ngày 14-5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương.
Người dân TPHCM tuân thủ các biện pháp phòng dịch khi đi mua sắm tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Người dân TPHCM tuân thủ các biện pháp phòng dịch khi đi mua sắm tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, là đầu vào cho sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ. Các địa phương tổng hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá...

Ngày 14-5, thống kê nhanh của các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM cho thấy, doanh thu trong những ngày đầu tháng 5 đã tăng 15%-20% so với cùng thời điểm tháng 4-2021. Các nhóm hàng tiêu thụ mạnh nhất trong những ngày qua là hàng nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, đường, gia vị, thực phẩm tươi sống và chế biến, sản phẩm phòng chống dịch, trái cây và nhóm hàng hóa mỹ phẩm. Đặc biệt, tại một số siêu thị, lượng khách tăng mạnh trong những ngày cuối tuần. Theo ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market, sức mua tăng do các nhà bán lẻ đang thực hiện đồng loạt các chương trình giảm giá, nhiều nhóm hàng đang có mức giá tốt nhất trong năm.  

Ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, tại hầu hết các siêu thị hàng hóa vẫn đầy ắp trên các quầy kệ. Các hệ thống bán lẻ tại TPHCM đang tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống nhằm đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Với các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, thực phẩm khô, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch các hệ thống bán lẻ đã dự trữ nguồn hàng, đảm bảo cung ứng liên tục 3 - 6 tháng tới.

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Tin cùng chuyên mục