Ở cái thời buổi người làm thơ còn nhiều hơn người đọc thơ như hiện tại, việc tập thơ đầu tay “Quà cho con” của một nhà thơ nghiệp dư - tác giả Nguyễn Huy Hoàng, thư ký của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, bán được với giá 550 triệu đồng (tất nhiên thực lãnh là 500 triệu đồng, còn lại 50 triệu đồng phải trả thuế VAT) đã làm ngất ngây giới “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” vốn dĩ đã quen với cuộc sống bất định “cơm áo không đùa với khách thơ”. Và phải chăng đã đến thời nhà thơ sống được bằng thơ?
Biết nói sao khi “thơ thẩn thẩn thơ khéo thẫn thờ” và mới hôm qua một nhà thơ thở hổn hển vì tuổi tác níu áo tôi khăng khăng rằng: “Cậu phải đăng ngay phát thơ này. Cảm xúc lắm, đầy chất thơ, rất dễ phổ nhạc. Đây mới là thơ còn mấy loại kia là đồ bỏ… mà tớ cũng muốn thêm thắt chút xíu nuôi con nhỏ, chứ lương hưu thì cậu biết…”. Cũng thấy tội cho nhà thơ sống bằng đam mê câu chữ, gieo vần, một thời rong ruổi các quán cóc vỉa hè, bờ kè. Khi có nhuận bút thơ, tùy từng tờ báo to nhỏ cao lắm cũng cỡ 400.000 - 500.000 đồng một bài thơ, thì ông anh thi sĩ cũng phá lệ mời chiêu đãi của một nhà hàng khá lớn, nhưng với mồi tất nhiên khiêm tốn như thơ: dĩa đậu phộng luộc thêm chút rau thập cẩm chấm nước mắm kho quẹt. Anh lý giải rằng không phải vấn đề tiền nong, mà bởi “mấy con cua đinh, tôm hùm, gà Đông Tảo trong thực đơn ăn nhiều ngán rồi mà lại dễ bị bệnh gút lắm. Cứ rau dưa mà xơi thôi, lợi cho sức khỏe!”.
Đúng là “người thơ phong vận như thơ ấy”, khi anh chọn bạn gái toàn cỡ cao trên mét bảy “thấp hơn tớ không chơi” và sau cùng anh cũng quyết định lấy vợ có chiều dài vẻn vẹn thước rưỡi. Phải nói không những vợ anh mà nhiều người cũng say đắm sự tìm tòi câu chữ, tứ thơ mới mẻ của anh, chẳng hạn như tả đôi mắt đen người phụ nữ anh so sánh “mắt em đen như dòng kênh Nhiêu Lộc”, rồi về tâm trạng run rẩy trước vẻ đẹp quyến rũ thì “anh thèm pa kít sơn, anh mơ ây dem mơ” (bệnh rung parkinson và mất trí nhớ alzheimer). Có gì đó trong thơ anh giống với thơ Nguyễn Huy Hoàng, bởi sự mộc mạc, dung dị, thơ như không thơ, mà thật ra là “vè” nhiều hơn (trích từ tập thơ “Quà cho con”) kiểu như “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/Sinh ra là để xin chào hê lô (hello)… chỉ khác giá trị “thương phẩm” mỗi người mỗi khác. Dĩ nhiên, sự tranh cãi đây có phải “thi phẩm” hay không đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng với vô vàn đánh giá và ai cũng há hốc mồm khi trường phái Bút Tre bỗng dưng lên ngôi xô đổ các kỷ lục trước đó như: kỷ lục mua đứt bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhà thơ Trần Đình Chính vào năm 2013 với giá 300 triệu đồng (Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận mua) và trước đó là bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan được chốt giá 200 triệu đồng. Nhiều người cho rằng tập thơ ấy có giá cao ngất ngưởng như vậy là vì “xuất thân” khủng của nhà thơ, nhưng dẫu sao đây cũng là một cú hích, một tín hiệu vui khích lệ các nhà thơ theo đuổi đam mê con chữ với hy vọng sống được bằng thơ.
Cũng như thơ, thị trường mỹ thuật đang sôi động không kém khi lần đầu tiên một cuộc bán đấu giá các tác phẩm tạo hình được tổ chức và thành công vượt mong đợi. Chiếc tủ thờ niên đại cuối thế kỷ 19 của họa sĩ Lê Thiết Cương, rồi màu đỏ đặc trưng trong các họa phẩm của Đào Hải Phong, đến cặp chóe gốm giả cổ với lớp men rạn nứt kỳ vĩ… đều được bán với giá cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Đây cũng là lần đầu chúng ta thoát vòng “từ thiện” được đeo thắt cho các buổi lễ rình rang mang tiếng là “bán đấu giá” với mục đích quyên tiền giúp quỹ vì người nghèo, trẻ cơ nhỡ... Như thế có thể thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật là có thật và đang dần hình thành một lớp người trẻ biết đánh giá, biết thẩm định các giá trị sáng tạo tinh thần mà theo họ đó là một tài sản lớn không thua kém giá trị bất động sản. Và dù gì thì đầu tư cho nghệ thuật cũng là đầu tư khôn ngoan nhất, tiền có thể mất giá, cổ phiếu nhiều khi chỉ còn là tờ giấy vụn, nhưng tác phẩm nghệ thuật chắc chắn sẽ có giá trị vĩnh cửu, để càng lâu càng được giá. Đó vừa là giá trị của quá khứ, của hiện tại lẫn tương lai. Dĩ nhiên chúng ta mới chập chững cắp sách đi học cách nhận biết thế nào là giá trị thương mại và thế nào là giá trị lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật. Song quan trọng là sự sang trọng, thanh cao của chúng đã thẩm thấu trong từng người, giúp phân định cái đẹp, cái xấu, hướng tới sự tử tế trong lối sống mà rất tiếc đã nhạt nhòa ít nhiều thời gian qua. Và biết đâu đấy, rồi cũng đến ngày tác phẩm của nhà thơ kể trên được mua với giá được coi là kỷ lục của kỷ lục. Cứ phải có ước mơ và quyết chí thực hiện ước mơ…
BÍCH AN