Thông thoáng một lộ trình

Cách đây 110 năm, ngày 13-9-1900, chuyến tàu điện đầu tiên lăn bánh trên đường phố Hà Nội, đánh dấu sự ra đời của một loại hoạt động đặc biệt trong vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đô thị, nối liền các khu trung tâm với nhau và vùng ngoại ô. Gần trăm năm tồn tại của mình, tàu điện của thủ đô không chỉ là phương tiện di chuyển thân quen của mọi người mà còn là niềm cảm hứng lẩy nên bao áng văn, vần thơ độc đáo lưu truyền trong ký ức của nhiều thế hệ. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện giao thông, VTHKCC ngày càng đa dạng và trở thành một nhu cầu đi lại đặc biệt thiết yếu của người dân ở các thành phố, đô thị lớn.

Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay chưa có hệ thống tàu điện, nhưng lại có một mạng lưới xe buýt chằng chịt với hàng ngàn chiếc chạy miệt mài từ 5 giờ sáng đến 21 giờ suốt 365 ngày trong năm.

Với 152 tuyến chạy khắp các ngả từ trung tâm thành phố đến các vùng phụ cận, hệ thống xe buýt Sài Gòn thực sự là phương tiện cứu cánh của hàng chục vạn người nghèo, học sinh, sinh viên sống và làm việc tại TPHCM. Trong một tương lai không xa, góp mặt cùng các xe buýt Sài Gòn sẽ còn có 6 tuyến metro hiện đại, nhiều tuyến xe điện trên cao và một số tuyến buýt trên sông thơ mộng và trong lành… Một viễn cảnh đẹp của một thành phố văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, hiện tại hệ thống VTHKCC của TPHCM đang phải đối mặt với một thực trạng nan giải, bế tắc và có thể mất đi ưu thế của một loại phương tiện vốn là cứu cánh của hàng triệu người. Trước hết là sự xuống cấp của hàng ngàn xe buýt do không được tu bổ, nâng cấp mà vẫn phải lăn bánh ngày đêm. Thứ hai, mặc dù đã được cải tiến, áp dụng một số cách thức bán vé và kiểm soát tiên tiến, nhưng do chưa đồng bộ nên lại gây nhiều phiền toái. Chưa hết, đường nhỏ xe buýt to, kẹt xe tắc đường triền miên… làm nản lòng hành khách. Nhưng trên hết vẫn là chuyện xe cá nhân tràn ngập với hơn 2 triệu xe gắn máy và hơn 600 ngàn xe ô tô, chưa kể hàng ngàn phương tiện từ các tỉnh lưu thông hàng ngày trên mật độ đường sá quá chật hẹp của TPHCM - một thành phố mà cơ sở hạ tầng giao thông vốn chỉ chịu đựng được cho hoạt động của 2 triệu cư dân, nay đã phải gánh gần 10 triệu người sinh sống, làm việc, qua lại!

Đã có nhiều cuộc bàn luận tìm lối ra cho giao thông của TPHCM. Song vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn: muốn đường thông thoáng phải giảm lượng xe cá nhân. Muốn giảm xe cá nhân phải có VTHKCC phù hợp thay thế, phải có xe mới, giá vé rẻ, nhiều tuyến phù hợp để người dân không cần sử dụng xe cá nhân. Nhưng muốn VTHKCC thu hút khách lại phải hạn chế xe cá nhân để chống tắc đường, chậm giờ, lỡ chuyến… Cứ như vậy, dường như VTHKCC mà trước mắt là xe buýt không có đường ra?

Trong vòng luẩn quẩn ấy, vẫn có một lộ trình có thể thoát ra để giao thông của thành phố mang tên Bác Hồ trở nên thông thoáng, người dân di chuyển thuận tiện và thành phố văn minh, sạch đẹp. Nhưng để thực hiện lộ trình ấy, phải có sự nỗ lực của rất nhiều phía: chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong đó có những giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền và cơ quan quản lý. Trước hết, là sự đầu tư đồng bộ, đúng mức của thành phố cho các hệ thống VTHKCC (xe buýt, metro, đường sắt trên cao, buýt sông), trong đó rất cần xã hội hóa đầu tư cho hệ thống này. Kiên quyết hạn chế xe cá nhân khi cần thiết và điều kiện VTHKCC cho phép. Đồng thời TP nhanh chóng chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với tốc độ tăng dân số và yêu cầu của sự phát triển…

Tất cả nằm trong kế hoạch một cuộc “đại phẫu” cho một thành phố đông dân nhất nước để có được hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Biết rằng không có cuộc “đại phẫu” nào không đau đớn. Nhưng bắt buộc phải thực hiện để có một cơ thể khỏe mạnh, phát triển.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục