Tắc trách

Bức ảnh thờ nhân vật bà Tư Lành trong bộ phim Dạ cổ hoài lang được một số cơ quan báo chí và cư dân mạng phát hiện là giống với ảnh bà Tống Mỹ Linh đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Liệu đây có phải là cách làm cẩu thả của ê kíp đoàn phim hay chỉ là sản phẩm photoshop (phần mềm chỉnh sửa ảnh) bị lỗi do vô ý?

Khi một số cơ quan báo chí và cư dân mạng phát hiện ra sự thật này, đại diện nhà sản xuất, phát hành của bộ phim - Công ty cổ phần phim Thiên Ngân lập tức đưa ra thông cáo báo chí đính chính, trong đó nêu rõ: “Phát hiện giật mình này thật sự gây bối rối cho toàn bộ ê kíp sản xuất vì đây là một sơ suất hoàn toàn không mong muốn. Sự việc đáng tiếc này xảy ra do theo phong tục của người Việt kiêng không dùng ảnh người thật đưa lên bàn thờ, vì vậy đạo diễn yêu cầu họa sĩ thiết kế phải tạo ra một bức ảnh hư cấu, dựa trên hình diễn viên đóng vai Út Trong thời trẻ, nhưng chỉnh sửa cho phúc hậu hơn, và phải có nét cổ xưa”. Để đáp ứng những tiêu chí đó: “Tổ thiết kế đã tìm một bức ảnh có sẵn trên mạng Internet đáp ứng các đòi hỏi trên và photoshop lại để ra bức hình bà Tư Lành trong phim”. Và kết quả của sự việc là họ “tạo ra một bức ảnh thờ hư cấu nhưng lại có nhiều nét tương đồng với hình ảnh của một nhân vật lịch sử có thật”.

Nếu chỉ viện dẫn lý do “không tìm hiểu kỹ nguồn gốc của bức ảnh trên mạng” có lẽ là điều chưa hoàn toàn thuyết phục đối với những thắc mắc của khán giả. Đặt trong mối tương quan khi ê kíp đoàn phim đã rất cầu toàn, kỹ tính trong quá trình chuẩn bị, quay phim với nhiều bối cảnh từ Việt Nam cho đến nước ngoài (Mỹ, Canada), thì sự việc tắc trách nói trên, “nhầm lẫn đáng tiếc” đó thử hỏi có đáng. Riêng đối với họa sĩ thiết kế, đây là lỗi nghề nghiệp sơ đẳng. Một câu hỏi được đặt ra là “theo phong tục của người Việt kiêng không dùng ảnh người thật đưa lên bàn thờ”, điều đó có đồng nghĩa với việc các tổ thiết kế có thể vô tư xài chùa hình ảnh được lấy từ trên mạng mà không quan tâm đến hậu quả sau này.

Động thái mang tính tất yếu đó là lời xin lỗi từ phía nhà sản xuất và đoàn phim đã được đưa ra. Phía đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi toàn bộ bản phim chiếu tại các rạp, từ việc chỉnh sửa, xin duyệt lại, nhưng ê kíp sẽ cố gắng hết sức. Anh cũng nhận trách nhiệm của mình về vụ việc này. Thực tế cho thấy, đây là sự việc khá nhạy cảm, nhất là khi nhân vật lịch sử có thật ấy lại là người nước ngoài.

Khi sự việc xảy ra cũng có muôn vàn ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng, lỗi của bộ phim và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là khó có thể chấp nhận, làm ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị tác phẩm vốn đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Trong khi số khác lại mong mọi người có cái nhìn rộng lượng và thông cảm cho sai sót này.

Sự việc của đoàn phim Dạ cổ hoài lang chưa phải là duy nhất trong giới làm phim Việt Nam. Vào tháng 9-2015, bộ phim Thề không gục ngã cũng đã lấy ảnh ca sĩ Changmin (nhóm DBSK, Hàn Quốc) lúc nhỏ làm ảnh thờ, gây ra nhiều phản ứng dữ dội từ cư dân mạng khắp châu Á, trong đó có các khán giả hâm mộ của nhóm nhạc này tại Việt Nam. Gần đây nhất, vào tháng 8-2016, trong tiểu phẩm của mình trên chương trình Đấu trường tiếu lâm, quán quân Duy Khương cũng lấy hình ảnh ca sĩ Lee Ahreum (thành viên nhóm T-Ara) làm ảnh thờ và đã gây ra tranh cãi nảy lửa. Rõ ràng, với các nghệ sĩ quốc tế còn đang hoạt động, việc công khai sử dụng hình ảnh của họ làm ảnh thờ, khoan hãy nói đến việc có xin phép hay không, đã là việc làm không thể chấp nhận dù điều đó nhân danh cho mục đích nghệ thuật.

Trong sự cố về ảnh nêu trên ở bộ phim Dạ cổ hoài lang, trách nhiệm của nhà sản xuất, đoàn phim và đạo diễn là điều đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi: Vậy cơ quan chức năng trong đó hội đồng kiểm duyệt phim có vai trò như thế nào trước và sau khi xảy ra những sai sót tương tự? Nếu khâu kiểm duyệt được thực hiện kỹ lưỡng, chi tiết hơn, khi sai sót được phát hiện ngay từ đầu sẽ không xảy ra những điều đáng tiếc đối với một tác phẩm đầy tâm huyết như Dạ cổ hoài lang. Trong bất cứ trường hợp nào, mọi việc phải được nhìn nhận khách quan, đa chiều và đây chính là một bài học xương máu đối với các ê kíp, đặc biệt là các dự án điện ảnh. Sự việc nói trên cũng đưa ra lời cảnh tỉnh về vấn đề bản quyền, cho dù nó là những chi tiết nhỏ nhất. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có một bộ phim sẽ được cân - đong - đo - đếm từ những chi tiết nhỏ nhất. Trong thời đại bùng nổ truyền thông hiện nay, khi khán giả là những “thánh soi”, nếu cẩu thả, dễ dãi hoặc cho phép mình làm lơ, thì hậu quả sẽ khó lường.

Nguyễn Văn

Tin cùng chuyên mục