Thép ế vẫn giữ giá cao

Mặt bằng giá mới
Thép ế vẫn giữ giá cao

Hàng trăm ngàn tấn thành phẩm, phôi thép đang tồn kho ngay giữa mùa cao điểm xây dựng. Tuy vậy, trên thị trường, giá thép vẫn bám trụ ở mức cao, dù nhu cầu sụt giảm mạnh do tác động của lạm phát.

Hàng đống cuộn thép để trên sân tại một cửa hàng ở quận Tân Bình. Ảnh: KIM NGÂN

Hàng đống cuộn thép để trên sân tại một cửa hàng ở quận Tân Bình. Ảnh: KIM NGÂN

Mặt bằng giá mới

Còn nhớ, từ cuối năm 2009 qua hết gần năm 2010, thị trường thép khá bình lặng và luôn giữ mức giá khoảng 12-14 triệu đồng/tấn, sau một thời gian “làm mưa làm gió” tạo cơn sốt, tăng đột biến lên trên 22 triệu đồng/tấn. Lần này, không náo động thị trường, giá thép từng bước ầm thầm thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn cùng kỳ khoảng 50%.

* Hiệp hội Thép vừa chính thức gửi công văn trình Thủ tướng kiến nghị không đánh thuế vào các sản phẩm thép xuất khẩu. Theo đó, VSA cho rằng, nhiều sản phẩm thép của Việt Nam đang dư thừa và phải cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

Cụ thể, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào hạ tuần tháng 2, tiếp đến giá điện tăng trên 15% vào đầu tháng 3, ngay lập tức giá thép nhích từng bước lên 15-17-19 rồi vượt trên 21 triệu đồng/tấn, sau đó ít lâu mới giảm nhẹ. Và trong những ngày gần đây, giá thép đang bám giữ mức trên dưới 19 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, khu vực.

Đáng ngạc nhiên, mức giá này đang được các doanh nghiệp (DN) sản xuất và cửa hàng bán lẻ thép “chốt” để bán ra chứ không giảm, dù nhu cầu giảm khá mạnh. Tại khu vực nội thành chuyên kinh doanh sắt thép trên đường Thành Thái, Lý Thường Kiệt quận 10… hay khu vực vùng ven như quốc lộ 22, 13… lượng khách đến giao dịch khá vắng vẻ. Nhiều người chạy xe ba gác chở thuê sắt thép cho các chủ cửa hàng phải tranh thủ chạy thêm xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

Ông Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Gia Hoàng, chuyên kinh doanh sắt thép trên QL 22, quận 12 cho biết, lượng khách hàng mấy tháng gần đây giảm 30%-40% so với cùng kỳ, đồng nghĩa doanh thu giảm tương ứng. 

Lý giải cho việc cầu giảm nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng so với trước, ông Hoàng nói: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, mức giá của các DN sản xuất thép giao cho đại lý ở mức 16,7 đến 17,5 triệu đồng/tấn, chưa có VAT. Với mức giá này, sau khi cộng các khoản chi phí như thuê mặt bằng, nhân công vận chuyển… cửa hàng bán lẻ bình quân 19 triệu đồng/tấn cũng chỉ đủ bù đắp chi phí chứ không có lời”.

Các DN sản xuất thép cũng khẳng định, giá thép trên thị trường hiện nay đang ở mức “vừa phải” so với mức đầu tư sản xuất, do đó không thể giảm thêm, nếu giảm nữa sẽ phá sản. Theo một cán bộ tiếp thị của Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), giá thép hiện đang hình thành một mặt bằng giá mới. Nguyên nhân do nguyên liệu nhập khẩu gồm thép phế liệu và phôi đang giữ ở mức cao. Mặt khác, các chi phí liên quan cũng liên tục biến động theo chiều hướng tăng khiến dù nhu cầu giảm, hàng tồn nhiều nhưng cũng không thể kéo giá giảm xuống.

Sức ép cạnh tranh

Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 5, khoảng 500.000 tấn thép thành phẩm và 600.000 tấn phôi thép đang tồn kho. Sức tiêu thụ thời gian qua giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có phần tác động từ chính sách điều chỉnh vĩ mô của nhà nước và chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng xây dựng nhiều công trình theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Mặt khác, với lãi suất vay hiện ở mức quá cao khiến nhiều công trình dân dụng xây mới, sửa chữa của người dân phải hoãn lại.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, hiện nhu cầu thép xây dựng trong nước chỉ dao động ở mức hơn 6 triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 9 triệu tấn. Chưa kể, sắp tới sẽ có thêm 5 dự án thép xây dựng công suất lớn đi vào hoạt động với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm. Thêm vào đó, lượng thép từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN đang nhập vào ngày càng nhiều với ưu thế về giá thấp nhờ hàng rào thuế được giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, càng tạo nguồn cung khủng hoảng thừa, gây sức ép cạnh tranh khốc liệt với DN trong nước. Trước tình hình trên, Bộ Công thương dự báo, giá thép nội địa trong thời gian tới sẽ không tăng đột biến kể cả trường hợp giá nguyên liệu thép trên thế giới tăng.

Lạc Phong

Sổ tay: Lỗ hổng văn hóa doanh nhân

Dẫu là một đất nước trọng nông, song ông cha ta có câu “phi thương bất phú”, đủ thấy nghề buôn và giới thương gia có chỗ đứng quan trọng trong xã hội. Những người làm nghề buôn bán, hay theo cách gọi hiện đại là giới doanh nhân, có cách ứng xử tinh tế trong giới, trong cộng đồng, như “buôn có bạn, bán có phường”, buôn bán lấy chữ tín làm đầu…

Trong thời đại hội nhập ngày nay, ở lĩnh vực kinh tế, hàng hóa xuất nhập khẩu được tự do thông thương giữa các quốc gia nên mỗi mặt hàng, mỗi thương gia được ví là những đại sứ giới thiệu hình ảnh đất nước ra thế giới. Vấn đề văn hóa cũng như cách ứng xử lịch lãm, tinh tế của các doanh nhân cần thiết hơn bao giờ hết. Thế nên, “sự kiện” lãnh đạo Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” thay cho thương thảo, đàm phán khiến giới thương nhân ngỡ ngàng, xã hội băn khoăn, lo lắng. Lo bởi cách ứng xử đó có nguy cơ không chỉ làm xấu hình ảnh thương gia Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội.

Kinh doanh dịch vụ hiện đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng để phát triển đất nước, mỗi doanh nhân được xem như chiến sĩ trên mặt trận kinh doanh. Để sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, ngoài yếu tố sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phải chăng thì yếu tố văn hóa trong sản phẩm, đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp - người làm ra sản phẩm, thương gia - người bán hàng đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng, hay đối tác thương mại sẽ từ chối, quay lưng với sản phẩm nếu đó là sản phẩm không thân thiện, thiếu yếu tố văn hóa. Bên cạnh đó, tiếng tăm, đạo đức của doanh nhân cũng góp phần quan trọng cho việc kinh doanh. Vì vậy, mỗi doanh nhân trước khi bước vào thương trường phải tự hoàn thiện mình, phải học cách ứng xử hợp thời, văn minh. Việc thương gia đánh nhau thay cho thương lượng, đàm phán phải xem là điều cấm kỵ.

Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một hội nghề nghiệp có uy tín trên thương trường, có vai trò sâu rộng đối với hàng ngàn gia đình sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản. Để làm tròn trách nhiệm đưa con tôm, con cá nước ta ra nước ngoài, làm đại sứ giới thiệu ngành nông nghiệp Việt Nam thì những lãnh đạo hội phải là người tài đức đáng trọng vọng. Có thể nói, trong những năm qua, hiệp hội đã đưa hàng thủy sản nước ta chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới, đến với những người tiêu dùng vốn rất khó tính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hàng ngàn người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản. Hành vi thiếu kiềm chế không đáng có của lãnh đạo hiệp hội không những làm xấu hình ảnh doanh nhân, hình ảnh hiệp hội và cũng có thể nói điều này cho thấy lỗ hổng văn hóa trong giới doanh nhân hiện nay. Mong sao các doanh nhân học cách ứng xử, văn hóa doanh nhân trước khi bước vào thương trường.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục